0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 15/09/2020 15:15 (GMT+7)

Những quy định mới về việc xử phạt đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả,...

Theo đó các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Nghị định này bao gồm: Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh, trừ trường hợp đã được quy định tại nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác; Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác; Hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá; Hành vi vi phạm về kinh doanh rượu; Hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng; Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại; Hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hành vi vi phạm về thương mại điện tử; Hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam; Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại.

0909_10-2724_tmdt_1

Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (quy định từ Điều 63 đến Điều 66) như sau:

1. Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Không công bố đầy đủ hoặc công bố không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thông tin về chủ sở hữu website hoặc ứng dụng bán hàng, thông tin hàng hóa, dịch vụ, thông tin về giá cả, thông tin vận chuyển và giao nhận, thông tin về điều kiện giao dịch chung, thông tin về các phương thức thanh toán theo quy định

Nhận chuyển nhượng website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không tiến hành thông báo lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với Hành vi giả mạo logo “Đã thông báo” với Bộ Công Thương: Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

2. Hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

Cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet;

Không thực hiện đúng theo các điều khoản của hợp đồng đã giao kết hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng đã giao kết sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động theo quy định.

3. Hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Một số hành vi vi phạm về hoạt động đấu giá trực tuyến:

Mức phạt từ 1.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về địa điểm và thời gian đấu giá, thông báo đấu giá hàng hóa, cách thức xác định người mua hàng, thông báo kết quả đấu giá trên website hoặc ứng dụng đấu giá trực tuyến theo quy định.

Mức phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không thông báo kết quả đấu giá và gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan theo quy định; Không cung cấp cho người bán hàng thông tin về diễn biến cuộc đấu giá mà người bán hàng tổ chức khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, nghị định còn quy định cụ thể mức phạt với một số hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điên tử mà không có cơ chế thông báo cho khách hàng sử dụng dịch vụ được biết hoặc không có lý do chính đáng; Không công bố quy chế hoặc công bố quy chế trên website khác với thông tin tại hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận; Thay đổi các nội dung của quy chế website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không thông báo cho các chủ thể sử dụng dịch vụ trước khi áp dụng những thay đổi đó; Không có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động được thực hiện chính xác, đầy đủ.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: Tự ý thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ hoặc di chuyển trái phép thông tin thanh toán của khách hàng trên website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc để thông tin thanh toán của khách hàng qua website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng.

4. Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử

Người sở hữu website thương mại điện tử mà website đó có chức năng thanh toán trực tuyến tuy nhiên không công bố trên website chính sách về bảo mật thông tin thanh toán cho khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Lưu ý:

Mức tiền phạt quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân. Ngoài việc bị phạt tiền, thì tùy nội dung từng hành vi có thể áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tên miền ".vn" hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2020.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Những quy định mới về việc xử phạt đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu quay đầu giảm 320 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 giảm 310 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 24.910 đồng/lít.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023