0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 23/12/2022 08:23 (GMT+7)

Điện gió gần bờ - Mối nguy tiềm ẩn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Điện gió gần bờ không chỉ đang thu hẹp ngư trường của ngư dân đánh bắt gần bờ mà còn có nguy cơ tác động xấu tới hệ sinh thái ven bờ, sinh kế người dân phụ thuộc biển…

Theo chia sẻ của TS. Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái miền Nam cho biết: “Tuy nhiên vì điện gió gần bờ làm thay đổi quy luật tự nhiên ven bờ, làm độ mặn, dòng chảy thay đổi, nguồn giống các loài ven bờ, ven rừng ngập mặn giảm dần, hoặc không có nhiều tập trung nữa, nên nó không chỉ tác động rất lớn đến sinh kế cộng đồng ven bờ vốn đa số là người nghèo, mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn các loài thủy hải sản trên biển”.

Nguy cơ với rừng ngập mặn

Rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái quan trọng của vùng ven biển. Theo Ban quản lý Rừng đặc dụng phòng hộ ven biển Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có 4.560 ha rừng đặc dụng và phòng hộ đều nằm bên ngoài tuyến đê biển của tỉnh. Quy hoạch diện tích đất rừng Bạc Liêu đến năm 2030 là khoảng 7.500 ha, theo đó gần 3.000 ha rừng được bổ sung trong tương lai sẽ là diện tích bãi bồi ven biển cho việc trồng và phát triển rừng.

Trao đổi với chúng tôi, một thành viên của ban quản lý rừng cho biết theo ghi nhận thực tế vài tháng gần đây đã có khu vực vốn trước đây bị lở, nay bắt đầu bồi lại sau khi có điện gió, như khu vực xã Điền Hải, huyện Đông Hải. Ông hy vọng đây là tín hiệu tốt cho khả năng có thể trồng thêm rừng ở khu vực này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nhận định ban đầu, cần phải theo dõi khoảng 5 năm thì mới có thể thấy rõ rệt khả năng bãi bồi ổn định hay không.

Việc quan trắc sự ổn định của nền trầm tích ở khu vực điện gió là cần thiết trước khi đề xuất trồng rừng. Những bãi bồi có xu hướng ổn định tích cực thì có thể có những giải pháp trồng rừng phù hợp. Cái thiếu hiện nay là sự liên kết đa ngành, cần kết hợp quan trắc địa chất và khí tượng để có đầy đủ thông tin cho việc trồng rừng hiệu quả, đặc biệt trong thực tế có điện gió gần bờ hiện nay, TS. Trương Văn Vinh, Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm TP.HCM cho hay.

Điện gió gần bờ - Mối nguy tiềm ẩn ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1
Trang trại điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 và 2 ở phường Nhà Mát và xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu nằm sát rừng ngập mặn. Dự án điện gió này đã vận hành được 10 năm. (Ảnh: Chí Quốc)

Điện gió gần bờ có thể tạo bồi một khu vực, nhưng sẽ gây sạt lở khu vực khác theo quy luật tự nhiên (nếu có một chỗ bồi thì sẽ có chỗ khác bị lở). Cũng cần lưu ý chưa hẳn tình trạng bồi ven rừng ngập mặn là mãi mãi. TS. Long cho rằng điện gió không tạo bồi mãi được, nó chỉ làm thay đổi vào một khoảng thời gian nhưng thời gian sau lại mất, vì toàn bộ vùng ven Biển Đông, ĐBSCL đều là biển động, mềm (di chuyển, ngày nay có thể nổi, ngày sau chìm), không cố định, TS. Vũ Ngọc Long khuyến cáo.

Tình trạng sạt lở ở vùng Biển Đông của ĐBSCL hiện nay là một trong những nguy cơ rất nghiêm trọng trên toàn vùng. Bãi bồi mất đi, rừng ngập mặn cũng trôi ra biển, chúng ta mất đi cái áo choàng bảo hộ của thiên nhiên. “Chưa kể, điện gió gần bờ còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các loài chim di cư vì vùng ven biển của ĐBSCL cũng là bãi chim di cư về kiếm ăn nhiều”, TS. Long nói.

Điện gió gần bờ có nên phát triển?

Mạnh dạn từ chối xây dựng cụm nhà máy nhiệt điện than tại Cái Cùng (huyện Đông Hải) với tổng quy mô công suất lên đến 3.600 MW theo Quy hoạch Điện 7 trước đây, Bạc Liêu chọn hướng phát triển thành trung tâm năng lượng sạch, ưu tiên ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Hiện toàn bộ chiều dài bờ biển 56 km của Bạc Liêu hầu như đã phủ kín các dự án điện gió gần bờ.

Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, Bạc Liêu đã lắp đặt được 100 trụ turbine điện gió cả trên biển lẫn đất liền, với tổng công suất 370 MW hòa vào lưới điện quốc gia, gần gấp đôi số trụ turbine và gấp hơn 3 lần công suất điện gió của 10 năm trước cộng lại.

Thông tin từ Sở Công thương Bạc Liêu cho thấy tỉnh hiện có 8 dự án điện gió gần bờ trong tổng 10 dự án điện gió đã và đang được đầu tư toàn tỉnh, chiếm 82% tổng công suất điện gió toàn tỉnh (540,2 MW/660,2 MW). Trong đó có 6 dự án đã đi vào hoạt động và 2 dự án đang được xây dựng.

Khai phá vùng bãi bồi ven biển tạo ra năng lượng tái tạo. Nhưng thực tế cho thấy điện gió gần bờ đang có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy cho hệ sinh thái và sinh kế ven bờ, vùng biển gần bờ.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Bạc Liêu chia sẻ, đơn vị thời gian qua đã phê duyệt các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh thừa nhận “không lường và chưa đánh giá hết được tác động của điện gió gần bờ tới hệ sinh thái khu vực làm dự án và những khu vực, vấn đề liên quan”. Vị này cho biết, trước đây khi tham khảo các chuyên gia, các đơn vị cấp trên, điện gió còn mới quá, chưa có nhiều nghiên cứu sâu về những tác động của điện gió tới hệ sinh thái.

Theo ông Ngô Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, chủ trương của tỉnh hiện nay là không cấp phép thêm tàu đánh bắt gần bờ và giảm dần đánh bắt gần bờ. Sở đang nghiên cứu đề xuất các phương án chuyển đổi nghề cho những hộ dân đánh bắt ven bờ, điều này cũng nhằm tránh tận diệt nguồn lợi thủy sản do việc khai thác thiếu bền vững. Tuy nhiên, theo ông Phong, nguồn lực của tỉnh đang khó khăn nên không biết bao giờ mới thực hiện được chủ trương này. Số liệu từ Sở cho thấy có tới gần 60% tàu đánh bắt của tỉnh là đánh bắt gần bờ. Có nghĩa tỷ lệ cao sinh kế của người dân đánh bắt của địa phương sẽ phải chịu tác động bởi điện gió.

Thực tế cho thấy Việt Nam đã sớm thiết lập một danh sách các dự án điện gió gần bờ, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL, phía nam TP.HCM. Những dự án này được coi là bước đệm giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi. Tuy nhiên Báo cáo “Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 6.2021 khuyến cáo việc phát triển điện gió ở các khu vực gần bờ có nguy cơ cao gây ra các tác động xấu đến môi trường và xã hội. Một số lý do bao gồm: sự hiện diện của các loài động vật nằm trong Sách Đỏ ở các vùng ven biển; các khu vực này gần với môi trường sống được bảo vệ hoặc nhạy cảm; tác động tiềm tàng đến động lực trầm tích ven biển; tác động tiềm tàng đến các cộng đồng ven biển, đặc biệt là với sinh kế của những người đánh bắt tận thu.

TS. Vũ Ngọc Long đề xuất: “Tốt nhất không làm điện gió ven bờ. Phải tránh những dòng chảy, đặc biệt là phải tránh xa các vùng cửa sông vì cản trở dòng chảy từ phía trong ra, đó là sự giao lưu của đất liền với biển. Thay vào đó là làm điện gió ngoài khơi”.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Huy, chuyên gia năng lượng, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Đại học Bách khoa TP.HCM đồng quan điểm cho rằng, ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung nên tập trung phát triển điện gió ngoài khơi sẽ hữu dụng hơn vì giảm thiểu được độ ồn và tần số rung tác động đến thói quen sinh trưởng của động, thực vật. Ưu điểm của các trang trại điện gió ngoài khơi là tốc độ gió lớn, không gian sẵn có, ít tác động đến môi trường sinh thái và nhất là tránh các xung đột lợi ích với các cộng đồng dân cư ven biển và các chủ thể sử dụng biển hiện tại, chẳng hạn như lĩnh vực quân sự, vận tải biển, đánh cá và du lịch biển đảo. Ngoài ra, các trang trại điện gió ngoài khơi sẽ là tấm lá chắn an ninh quốc phòng cho phía trong vùng biển Việt Nam.

Ông Bernard Casey, Giám đốc điều hành APAC tại hội thảo điện gió ngoài khơi Việt Nam do Viện Năng lượng và Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu tổ chức vào tháng 6 năm nay cho biết, ông lo ngại việc lắp đặt nhiều dự án điện gió (gần bờ - PV) ở ĐBSCL với khoảng cách quá gần như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến công suất dự án. Sẽ có những dự án bị nhận ít năng lượng hơn so với thiết kế. “Ở Anh, chúng tôi đã xây dựng những dự án cách nhau ít nhất 50 km. Đây là bài học quy hoạch quan trọng”, ông Bernard nói.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Huy cho rằng việc phát triển và sử dụng năng lượng sạch là xu hướng tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình cụ thể để chuyển đổi một cách hợp lý và hài hòa nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điện gió gần bờ - Mối nguy tiềm ẩn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023