ĐBQH Trần Khắc Tâm: Nông sản được mùa mất giá vẫn là căn bệnh cố hữu
Theo ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm, câu chuyện thanh long giá dưới 1.000 đồng cũng giống như dưa hấu, hành tím. Khi được mùa thì giá lại thảm hại.
Theo ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm, câu chuyện thanh long giá dưới 1.000 đồng cũng giống như dưa hấu, hành tím. Khi được mùa thì giá lại thảm hại.
Nông dân "đứng ngồi không yên" vì giá xuống thấp
Những ngày này, nông dân tại thủ phủ thanh long Bình Thuận đang đứng ngồi không yên, lòng nóng như lửa đốt khi lượng tiêu thụ trái thanh long ngày càng khó khăn. Nhiều chủ vườn bất lực, tuyệt vọng khi phải bán tháo hàng hóa với giá rẻ như cho. Đau đớn hơn là không bán được đồng nào mà phải đổ bỏ vì hàng bị hư hỏng.
Ông Nguyễn Tánh, một nông dân có thâm niên trồng thanh long ở thôn 5, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết, trước đây khi thanh long chưa phát triển ồ ạt, giá thanh long ruột trắng được thu mua trung bình từ 12 - 15.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến từ 25 - 30.000 đồng/kg, nông dân có lãi khá và có thể làm giàu nếu có diện tích từ vài ha trở lên.
Mặt khác trong sản xuất thanh long, nông dân kỳ vọng nhất là lứa trái nghịch vụ, tức là sản xuất thanh long chong đèn bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau (âm lịch) vì sản phẩm luôn hút hàng, lại bán được giá.
Theo ông Tánh, thông thường những năm trước đây, lứa thanh long thu hoạch từ tháng Chạp trở đi giá thu mua có năm lên đến 20 - 23.000/đồng/kg, thấp cũng được 12 - 13.000/đồng/kg. Với giá này, nông dân sản xuất có lãi khá. Tuy nhiên đến năm 2020, nhiều nhà vườn tại Bình Thuận chỉ bán được với giá dưới 10.000 đồng/kg. Thế nhưng thê thảm hơn là vụ thanh long chong đèn năm 2021 vừa qua cho đến nay, nông dân chỉ bán được với giá từ vài trăm đồng đến 1.000 - 3.000 đồng/kg, thậm chí không có ai mua.
“Mấy ngày cuối tháng 2/2022, giá thanh long chỉ từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, nhưng nhiều nhà vườn cũng không bán được nên buộc phải chặt bỏ trái để giữ sức cho cây”, ông Tánh nói và cho biết thêm, chưa bao giờ cây thanh long khiến nông dân điêu đứng như năm nay. Hầu như các nhà vườn đều mang nợ vì đầu tư điện, phân, thuốc, công vuốt tai thanh long… nhưng thu không đủ chi, thậm chí có người phải rao bán đất để trả nợ
Tương tự, gia đình ông Tiêu Đình Hương, cùng xã ông Tánh có 650 trụ thanh long ruột trắng, vụ chong đèn vừa qua cũng thất bại, lỗ khoảng 20 triệu đồng. Ông Hương cho biết, hầu như nông dân trồng thanh long Bình Thuận chong đèn vụ này đều thất bại hoàn toàn, không ít hộ trở nên điêu đứng vì thanh long.
Cũng như Bình Thuận, nông dân trồng thanh long ở các tỉnh Long An và Tiền Giang cũng khốn khổ vì giá thanh long vụ nghịch bán thấp bèo, có thời điểm chỉ vài ngàn đồng/kg, thậm chí không có ai mua.
Tại hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long được Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây tại Bình Thuận, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết toàn tỉnh có 144 kho chứa, trong đó 93 kho chứa lạnh, với tổng công sức 5.500 tấn. Vừa qua trong đợt Tết Nhâm Dần, các kho lạnh đảm bảo nhập hàng thanh long cho nông dân trước tình hình tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên khi nhập xong, các doanh nghiệp lại không có đầu ra nên một số diện tích thanh long nông dân đành phải chặt bỏ.
Vẫn câu chuyện "được mùa mất giá, được giá mất mùa"
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, sáng 15/3, TS. Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII cho biết, việc giá thanh long giảm sâu thậm chí không bán được là nỗi đau của người nông dân. Họ một nắng hai sương, lao động sản xuất cật lực nhưng thành quả lại đổ sông đổ bể.
“Những nhà quản lý cần phải xem lại vấn đề này, bởi nó đã xảy ra quá nhiều năm, quá nhiều lần mà không có cách xử lý. Chúng ta đừng để người nông dân chơi vơi giữa dòng nước”, ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm nói.
Trần Khắc Tâm kể lại, vào phiên họp về Kinh tế xã hội tại Quốc hội khóa XIII vào năm 2015, ông đã nhấn mạnh rằng: “Đã đến lúc, chúng ta phải trả món nợ với nông nghiệp”. Bởi lẽ, nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất dư thừa do thiếu thông tin thị trường, thiếu chiến lược dài hơi, chạy theo mùa vụ, nhu cầu ảo dẫn đến những thua thiệt của người sản xuất nông nghiệp; tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"…
“Cũng vào thời điểm đó, khi sản phẩm hành tím Sóc Trăng rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, 10 kg hành không đổi được tô phở, tôi đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng. Bộ trưởng hứa sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tích cực tìm ra cách tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trồng sản phẩm này. Tuy nhiên, sau đó và đến tận bây giờ, đã trải qua mấy tư lệnh ngành Công Thương, tình trạng này vẫn lặp lại, thậm chí có dấu hiệu nghiêm trọng hơn”, TS. Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.
Vị này cho hay, câu chuyện nông sản mất giá do tắc biên hầu như năm nào cũng xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta không có biện pháp giải quyết triệt để. Đến khi nào sự việc đã xảy ra rồi, các cơ quan chức năng mới vào tháo gỡ thì đã muộn. Nông sản thối, mốc chất đầy trên những chiếc container nằm ở cửa khẩu, người dân các tỉnh thành lại tham gia giải cứu. TS. Trần Khắc Tâm đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ giải cứu được đến bao giờ nếu tình trạng này không được xử lý từ gốc rễ?”.
Vị ĐBQH khóa XIII này cho rằng, vấn đề thông tin dự báo về thị trường và liên kết giữa nhà nông với nơi tiêu thụ cần phải được thực hiện tốt hơn nữa. Mặc dù năm vừa qua, nông nghiệp nói chung đã có nhiều điểm sáng. Chúng ta đã xuất khẩu được thêm nhiều loại nông sản sang các thị trường khó tính như Úc, Singapore, Pháp, Nhật Bản do đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận là ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó, được mùa mất giá là căn bệnh cố hữu chưa có lời giải.
Năm 2021, sản lượng thanh long của cả nước đạt gần 1,4 triệu tấn, trong đó riêng ba tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang chiếm sản lượng hơn 1,25 triệu tấn. Thị trường nội địa tiêu thụ khoảng từ 15-20% sản lượng, còn lại từ 80-85% sản lượng là xuất khẩu. Trong xuất khẩu, chỉ có khoảng từ 2-3% là xuất khẩu chính ngạch, còn lại theo hình thức biên mậu (tiểu ngạch) qua biên giới Trung Quốc.
Theo ngành Công Thương của ba tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, đa số các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu thanh long ở địa phương tham gia xuất khẩu tiểu ngạch, chỉ một số ít xuất khẩu chính ngạch. Tỉnh Bình Thuận có 200 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu thanh long, trong đó có 18 đơn vị xuất khẩu chính ngạch, còn lại là xuất khẩu tiểu ngạch. Tỉnh Tiền Giang, trong số 80 đơn vị thì chỉ có 17 đơn vị xuất khẩu chính ngạch.
Hà Lan