Đầu tư vào đâu nếu xảy ra lạm phát?
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyên gia kinh tế nhận định, thế giới sắp phải đối mặt với làn sóng lạm phát, điều này cũng tạo áp lực lạm phát lên Việt Nam trong năm 2021. Vậy nên đầu tư vào đâu nếu lạm phát xảy ra?
Lạm phát ở Việt Nam có thể kiểm soát nhưng không được chủ quan
Nói về vấn đề này, Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI 7 tháng tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để Việt Nam kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu khoảng 4% theo yêu cầu của Quốc hội.
Lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan bởi áp lực lạm phát vẫn đang hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên giá cả hàng hóa trên thế giới gia tăng trong năm 2021 có thể tác động đến nền kinh tế Việt Nam trên các góc độ làm gia tăng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước.
Theo thống kê của Vụ Thống kê giá cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,79%. Đặc biệt, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,83%, dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,97%, dùng cho xây dựng tăng 3,91%, giá sắt thép trong thời gian vừa qua tăng trên 40%. Mặt khác, giá dầu thô và giá các loại lương thực tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, phí vận tải, tăng giá thức ăn chăn nuôi và thực phẩm trong nước; đồng thời tác động đến cân đối thương mại.
Đây đều là các yếu tố gây nên lạm phát chi phí đẩy và tạo áp lực lớn lên chỉ số CPI của toàn nền kinh tế đến cuối năm 2021.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Liên minh châu Âu nhận định lạm phát có thể đạt đỉnh trong năm 2021. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên áp lực lạm phát trong các tháng còn lại năm 2021 có thể gia tăng. Do vậy, Chính phủ cần nghiên cứu “ngưỡng lạm phát” phù hợp với từng giai đoạn kinh tế, để đặt ra lạm phát mục tiêu trung hạn thay vì lạm phát mục tiêu từng năm.
Lạm phát xảy ra thì nên đầu tư vào đâu?
Ông Mike McGlone, chuyên gia phân tích hàng hoá Bloomberg Intelligence nhận định, lạm phát bắt đầu tăng đột biến trong năm nay dẫn đến nguy cơ thị trường hàng hóa tăng giá mạnh.
Khi đó, giá cả hàng hoá sẽ trở nên khó nắm bắt hơn. Không chỉ vậy, chứng khoán cũng trở thành môi trường rất rủi ro dù năm nay đã có mức tăng trưởng rất cao.
"Với bối cảnh này thì sự kết hợp danh mục đầu tư giữa vàng và bitcoin có thể đem lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư", ông Mike McGlone cho biết thêm.
Theo ông Mike McGlone nhận định, vàng vẫn đang trong giai đoạn tích luỹ đà tăng. Lạm phát sớm muộn sẽ làm suy yếu đồng USD, cũng như lợi suất trái phiếu kho bạc khó duy trì trên mức 2% và khi đó thúc đẩy đà tăng của giá vàng.
Có thể thấy, bitcoin vẫn có tiềm năng tăng giá cao do được xem là tài sản dự trữ kỹ thuật số toàn cầu dù biên độ giá dao động mạnh. Thời gian qua, bitcoin ghi nhận mức tăng kỷ lục 67.000 USD và được kỳ vọng tăng trên 100.000 USD.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thị trường, nên cân nhắc trước khi quyết định đầu tư lĩnh vực nào. Bởi đầu tư vào tiền ảo cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.