Dâu tây Trung Quốc nhập khẩu về Đà Lạt có dư lượng thuốc BVTV gấp 3 lần cho phép
Thông tin từ phòng Kinh tế TP Đà Lạt (Lâm Đồng) kết quả mẫu dâu tây gửi đi kiểm nghiệm trong đó có 1 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt gấp 3 lần giới hạn cho phép.
Ngày 30/7, theo thông tin từ phòng Kinh tế TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Lâm Đồng) vừa thông báo kết quả thử nghiệm mẫu dâu tây xuất xứ Trung Quốc lấy từ lô hàng dâu tây của ông P.T.S
Qua phân tích 60 chỉ tiêu theo thông tư 50/2016/TT-BYT quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV trong thực phẩm, có 1 hoạt chất thuốc BVTV là Abamectin có kết quả 0,063 mg/kg vượt gấp 3 lần giới hạn cho phép.
Dâu tây Trung Quốc nhập khẩu về Đà Lạt có dư lượng thuốc trừ sâu gấp 3 lần cho phép
Như vậy với kết qua trên, Phòng Kinh tế Đà Lạt đề nghị Công an TP Đà Lạt căn cứ các quy định hiện hành củng cố hồ sơ và lập thủ tục xử lý theo quy định.
Liên tiếp bắt giữ dâu tây nhập lậu từ Trung Quốc
Trước đó, ngày 22/7 Công an huyện Đức Trọng kiểm tra, bắt giữ 7 tấn dâu tây Trung Quốc.
Ngày 23/7, Công an huyện Đức Trọng tiến hành kiểm tra đột xuất, bắt giữ 3 xe tải chở dâu tây không rõ nguồn gốc được vận chuyển từ Cảng hàng không Liên Khương lên TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Lực lượng chức năng phát hiện 326 thùng xốp (trọng lượng khoảng 3,5 tấn) có chữ Trung Quốc được đóng cẩn thận. Các thùng xốp này chứa dâu tây tươi với đủ chủng loại, kích cỡ, màu sắc. Một số được đóng cẩn thận trong hộp giấy màu đỏ, hình thức đẹp mắt và in toàn bộ bằng chữ Trung Quốc.
Dâu tây được nhập khẩu hơn 22 ngày nhưng vẫn tươi như mới hái ngoài vườn
Tiếp đó, ngày 24/7, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Đà Lạt phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra hành chính xe tải biển số 60C-434.88 do tài xế N.T.H (43 tuổi, quê Hà Tĩnh) điều khiển, phát hiện khoảng 2 tấn quả dâu tây.
Người đàn ông tên là P.T.S (29 tuổi, ngụ TP.HCM) xuất hiện, nhận là chủ hàng. Ông P.T.S khai chuyên bán dâu tây trên mạng xã hội, đã mua lô dâu tây này với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg để bán lại. Tuy nhiên, hóa đơn chứng từ mà P.T.S xuất trình lại thể hiện tên chủ hàng là Nguyễn Thị Nhung, dâu được nhập từ cửa khẩu ở Lào Cai với số lượng 10 tấn vào ngày 2/7, giá chỉ có 5.000 đồng/kg.
Gần 2 tấn dâu Trung Quốc đựng trong 123 thùng xốp được vận chuyển vào Lâm Đồng bằng đường hàng không, từ Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) qua Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) rồi đến Cảng hàng không Liên Khương. Sau đó, chủ hàng thuê xe tải tiếp tục chở dâu lên TP.Đà Lạt.
Theo giấy tờ chủ hàng xuất trình, số dâu tây này đã được nhập khẩu hơn 22 ngày. Thế nhưng khi cơ quan chức năng mở các thùng xốp để kiểm tra, quả dâu vẫn tươi như mới hái ngoài vườn.
Gần đây nhất, ngày 25/7, Công an phường 6, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng kiểm tra hành chính một căn nhà trên đường Yết Kiêu, TP Đà Lạt do chị Nguyễn Thị Mỹ Phương (25 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) thuê để sử dụng.
Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện 26 thùng xốp bên trong chứa quả dâu tây tươi với hơn 370kg.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Phương không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Đồng thời bà Phương cũng khai nhận đã mua lại số dâu tây trên với giá 41 triệu đồng của một người không rõ lai lịch.
Bà Phương thừa nhận, đây không phải là dâu tây Đà Lạt mà là dâu tây có xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập về để bán online và chuyển ra quầy dâu tây của mẹ ruột bán tại chợ Đà Lạt với giá 100.000 đồng/kg.
Theo chuyên gia về an toàn thực phẩm, nếu giới hạn tối đa về dư lượng thuốc BVTV trong thực phẩm vượt ngưỡng cho phép có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng như ngộ độc, rối loạn thần kinh trung ương, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ; ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm