0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 12/11/2020 08:26 (GMT+7)

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ trở thành đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của UBTV Quốc hội, ý kiến của các ĐBQH, các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 gồm 16 chương, 174 điều.

Theo đó, Dự thảo Luật được bố cục lại so với Luật BVMT 2014, đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác.

tm-img-alt
Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) có nhiều điểm mới mang tính đột phá. 

Đặc biệt, dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trường kinh tế. BVMT không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, đại diện hợp pháp của cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổ chức giám sát và phản biện xã hội, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng dân cư và người dân đối với các vấn đề môi trường trên địa bàn để kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước hoặc yêu cầu chủ dự án tiến hành xử lý…

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về việc Nhà nước hỗ trợ các tổ chức, cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội…

Luật còn quy định về việc tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan. Theo đó, kết quả tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan là thông tin quan trọng để chủ dự án nghiên cứu để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Đây cũng là lần đầu tiên dự thảo Luật đã cụ thể hóa các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước; hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

Mới đây, trao đổi với báo chí, GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này bổ sung nguyên tắc hoạt động bảo vệ môi trường phải được công khai, minh bạch, quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường đất, chất thải nguy hại, kết quả quan trắc chất thải; chủ trương của Nhà nước là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh… trong việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường.

Hơn nữa, dự thảo Luật cũng quy định các chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu sản xuất, kinh doanh tập trung, cụm công nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia hoặc thông qua các báo cáo theo quy định của pháp luật.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới