0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 08/11/2021 10:49 (GMT+7)

Khi nào đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khai thác đoạn trên cao?

Dự kiến đoạn trên cao dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội sẽ đưa vào khai thác vận hành vào tháng 12/2022, lùi tiến độ một năm so với kế hoạch đề ra.

Tiến độ toàn dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đạt 74%, trong đó đoạn trên cao đạt gần 90%, dự kiến khai thác đoạn trên cao vào tháng 12/2022.

Ngày 05/11 vừa qua, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thông tin (BRM) cho biết dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm của TP.Hà Nội đã triển khai 10/10 gói thầu chính nhưng trong gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ.

tm-img-alt
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội phải lùi tiến độ khai thác, vận hành đoạn trên cao đến cuối 2022.

Tiến độ tổng thể chung đạt khoảng 74% (đoạn trên cao đạt 89,5%; tiến độ đoạn ngầm 32,2%). Do vấn đề giải phóng mặt bằng, nhà thầu dừng thi công từ tháng 7.

Đoạn trên cao dài 8,5 km từ Depot Nhổn đến ga S8 (đoạn ĐH Giao thông Vận tải) dự kiến đưa vào khai thác vận hành tháng 12/2022. Với đoạn đi ngầm (4 km) từ ga S9 (bãi xe Ngọc Khánh cũ) đến ga S12 (trước ga Hà Nội), MRB không nêu thông tin thời gian hoàn thành.

Đây là lần thứ ba đoạn Metro Nhổn - ga Hà Nội bị lùi tiến độ. Theo phê duyệt ban đầu, dự án hoàn thành năm 2018, nhưng sau đó điều chỉnh thời gian vận hành đoạn trên cao đến tháng 04/2021 và vận hành toàn tuyến tháng 12/2022.

Về việc Liên danh Nhà thầu Hyundai - Ghella (HGU) yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, MRB cho biết nhà thầu đang sử dụng quyền khiếu nại tới chủ đầu tư và yêu cầu bổ sung chi phí với tổng giá trị khoảng 114,7 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng) do các vướng mắc chủ yếu liên quan chậm bàn giao mặt bằng.

"Nhà thầu chỉ mới cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh cho một phần khiếu nại với giá trị rất nhỏ (chiếm 2-3% tổng giá trị khiếu nại)", MRB thông tin và cho hay, phần lớn giá trị khiếu nại chỉ dựa trên các bảng tính sơ bộ, khái toán, thiếu căn cứ pháp lý. Do đó tư vấn (Systra, Pháp) cũng như chủ đầu tư chưa thể đánh giá chính xác cho các khiếu nại để làm cơ sở giải quyết tranh chấp.

tm-img-alt
Nhà số 23 Quốc Tử Giám, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng ga S11 đã cơ bản được phá dỡ xong. Ảnh: Phạm Công

Lý do giải phóng mặt bằng ga S11 - Văn Miếu vướng mắc (nhà thầu cho biết do chậm giải phóng mặt bằng tại ga này để dừng thi công), MRB cho hay đến nay các tồn tại cũng như chính sách đền bù, hỗ trợ tạm cư đã được giải quyết. Phần mặt bằng thi công tại Ga S11 - Văn Miếu dự kiến bàn giao cho nhà thầu vào tháng 12.

Trước đó, báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai 6 dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, Chính phủ nêu một số vướng mắc tại dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, trong đó có việc nhà thầu liên danh Hyundai - Ghella (HGU) yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD, nếu không sẽ không thể tiếp tục công việc và khiếu nại lên trọng tài quốc tế.

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội không phải lần đầu bị đòi bồi thường do chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Tháng 07/2020, Công ty TNHH Dealim Hàn Quốc, đơn vị thi công xây lắp đoạn tuyến trên cao (gói thầu CP1) đã yêu cầu bổ sung hơn 400 tỷ đồng (19 triệu USD). Nguyên nhân được đưa ra là nhận mặt bằng thi công chậm một năm rưỡi so với cam kết trong hợp đồng, dẫn đến việc phải kéo dài thêm hơn 2 năm thi công.

MRB và Hà Nội sau đó đã tham vấn các đơn vị liên quan, tạm chốt bổ sung chi phí do kéo dài thời gian cho nhà thầu 6,6 triệu USD (khoảng 145 tỷ đồng), giảm 12,5 triệu USD so với yêu cầu ban đầu.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, khởi công từ tháng 9/2010.

Tổng mức đầu tư của dự án là 783 triệu Euro, trong đó vốn vay ODA 653 triệu Euro, vốn đối ứng 130 triệu Euro. Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.176 triệu Euro. Như vậy, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng khoảng 10.400 tỷ đồng.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km. Tuyến đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn-Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy-ga Hà Nội) dài 4km.

Dự án được dự kiến hoàn thành, đi vào khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và thêm đoạn đi ngầm vào cuối năm 2022.

Bạn đang đọc bài viết Khi nào đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khai thác đoạn trên cao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023