Chữa “bệnh” ngân hàng thừa tiền: Dùng "thuốc" gì hiệu quả?
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải ví von rằng: Hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền".
“Tồn kho” tiền
VnExpress dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà Nước cho biết, lượng tiền gửi của cá nhân, tổ chức vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 6 đã đạt gần 12,37 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 270.700 tỷ đồng so với cuối tháng trước.
So với đầu năm nay, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng 4,63%, tương đương với mức tăng ròng gần 550.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong một năm trở lại đây, khối tổ chức gồm doanh nghiệp và các cơ quan đoàn thể thường rút bớt tiền gửi tại ngân hàng hoặc gửi thêm vào khá hạn chế. Tuy nhiên, tiền gửi của nhóm này đã tăng ròng mạnh hơn 235.000 tỷ đồng trong tháng 6, mức tăng ròng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.
Về phía người dân, lượng tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng hai tháng gần đây đã chậm lại so với giai đoạn 6 tháng trước. Tính đến hết tháng 6, người dân gửi hơn 6,38 triệu tỷ đồng tại ngân hàng, tăng ròng hơn 35.300 tỷ so với tháng trước.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết quý II chỉ 4,03%, thấp hơn so với tốc độ huy động. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong trạng thái dư thừa khi việc giải ngân ảm đạm.
Còn theo báo cáo được công bố bởi Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động đã giảm liên tục 5 tháng. Trong tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng bình quân là 7% và 6,5%, lần lượt giảm 36 và 31 điểm cơ bản so với tháng trước.
Tuy nhiên, thống kê của BVSC với 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, dù lãi suất huy động đã giảm sâu, song tốc độ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng lại tăng trở lại.
Cụ thể, tính đến 30/06/2023, các ngân hàng trên sàn chứng khoán ghi nhận tổng số dư tiền gửi khách hàng là gần 9,01 triệu tỷ, tăng gần 367.000 tỷ đồng (4,2%) so với cuối tháng 3/2023. Trong khi hồi quý I/2023, tốc độ tăng trưởng tiền gửi chỉ là gần 310.000 tỷ đồng (3,7%).
Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ngày 7/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 29/8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 9,87%. Lãi suất cho vay có xu hướng giảm. Hiện thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương 1 triệu tỷ đồng.
Theo ông Tú, chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn. "Lý do là doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay, đây là vấn đề rất khó!", ông Tú cho biết.
Ông Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Lãi còn cao, doanh nghiệp khó hấp thụ vốn
Doanh nhân Việt Nam dẫn phân tích của TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, về những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng năm nay rất thấp là do tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, đơn hàng sụt giảm nên các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới có xu hướng tăng lãi suất, tác động gián tiếp vào sự hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam.
Với nguyên nhân chủ quan, nền kinh tế thời kỳ COVID-19 và hậu COVID-19 đòi hỏi cần được hỗ trợ, Chính phủ đã có nhiều chính sách phục hồi kinh tế nhưng đáng tiếc là việc thực thi chưa được như kỳ vọng khiến sức khoẻ của doanh nghiệp suy giảm.
Bên cạnh đó, các vụ việc lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng làm mất niềm tin của nhà đầu tư khiến dòng vốn đi vào doanh nghiệp cũng như nền kinh tế còn hạn chế.
Yếu tố thứ ba là lãi suất, giai đoạn cuối năm ngoái không ít ngân hàng thương mại đẩy lãi suất 12 tháng lên tới hơn 11% làm cho lãi suất cho vay trong nền kinh tế Việt Nam ngắn hạn lên tới 13-15%, trung và dài hạn 17-18%; lạm phát thấp khiến lãi suất thực quá cao, tăng chi phí vốn của doanh nghiệp.
Theo ông, với mức lạm phát chỉ khoảng 3-4% thì lãi suất cho vay ngắn hạn của VND chỉ nên khoảng 7-8%, cho vay trung dài hạn khoảng 10-12% là hợp lý.
Tuy nhiên, các ngân hàng đang gặp phải là chi phí nguồn vốn cho đến 6 tháng đầu 2023 còn cao nên khó có thể giảm lãi suất cho vay. Vì vậy, cần giảm chi phí bình quân huy động vốn các ngân hàng thương mại thấp xuống, giá hàng tồn kho phải giảm.
Chuyên gia cũng khuyến nghị, ở bối cảnh hiện này, Ngân hàng Nhà nước cần vận dụng các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ kéo "hàng tồn kho huy động vốn" thấp xuống bằng một số công cụ như: Điều chỉnh dự trữ bắt buộc, triển khai các nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt.
Các tổ chức tín dụng có thể dùng các trái phiếu Chính phủ thế chấp Ngân hàng Nhà nước để vay tiền, kéo lãi suất thị trường mở xuống nữa và thời gian vay trên thị trường mở kéo dài ra, có thể cho vay 6 tháng, một năm. Hay Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các tổ chức bằng cách cho phép dùng tài sản đảm bảo người vay đang thế chấp để vay tái cấp vốn.
"Tóm lại, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò lớn hơn trong việc gia tăng niềm tin thị trường liên ngân hàng cho các tổ chức tín dụng lớn dư thừa thanh khoản cho vay tổ chức tín dụng nhỏ. Đó là giải pháp kéo lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay thấp xuống, kéo "giá bán" hàng hóa xuống, thì sẽ có nhiều người mua", TS. Trương Văn Phước phân tích.
Chung quan điểm với TS. Trương Văn Phước, chia sẻ trên báo Tiền Phong ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng, tuy lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn cao. Cụ thể, lãi suất vay tín chấp vẫn 13-16%/năm, vay thế chấp 7-9%/năm.
Theo ông Lược, hiện nay lạm phát mới khoảng 4% mà lãi vay cao hơn mức lạm phát, doanh nghiệp không kinh doanh được gì để có mức lợi nhuận trả ngân hàng.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế kiến nghị, với cơ quan nhà nước, nếu lạm phát ở mức 4%, lãi vay chỉ khoảng 5-6%. “Với ngân hàng tư nhân không hạ lãi vay ngay được, 4 ngân hàng quốc doanh phải đi đầu vấn đề này. Theo đó, NHNN phải có giải pháp như cấp bù tín dụng để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay”, ông Lược nói.
Ông Lược cho biết thêm, hiện điều kiện cho doanh nghiệp và người dân vay vẫn còn khó. Các thủ tục “vay” vẫn là rào cản. Với điều kiện vay không thể hạ chuẩn bị lo nợ xấu gia tăng, nhưng các ngân hàng phải tiếp tục cắt giảm thủ tục vay hơn nữa.
Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, hiện lãi suất trong xu hướng giảm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng bởi tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền; do đó, ngân hàng không đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp.
“Kinh tế khó khăn, nguồn lực (doanh nghiệp) bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn. Trong khi đó, ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống”, ông Hùng nói.
Theo đó, ông Hùng đề nghị các tổ chức tín dụng phải rà soát, đẩy mạnh cho vay các gói tín dụng, mở rộng các kênh bán hàng và kênh liên kết với đối tác; thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ theo từng nhóm ngành nghề để từ đó có các giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách linh hoạt. Đồng thời, ông Hùng cho rằng, các ngân hàng phải nghiên cứu áp dụng linh hoạt điều kiện tài sản đảm bảo cho từng nhóm đối tượng khách hàng, cho vay theo chuỗi cung ứng dựa trên uy tín và mức độ rủi ro của một doanh nghiệp. Ngân hàng phải giảm thiểu chi phí và thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, yêu cầu cung cấp các thông tin phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các doanh nghiệp có thể nắm bắt và thực hiện được.
H. An