0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 16/08/2023 09:13 (GMT+7)

Vì sao lãi suất giảm nhưng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng?

Dù lãi suất huy động đã giảm sâu, song tốc độ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng tại các nhà băng lại tăng trở lại. Chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm 2023 tiền gửi vào hệ thống ngân hàng theo đó sẽ tăng trưởng tích cực hơn.

Tín hiệu kinh tế phục hồi, tiền gửi vào hệ thống sẽ tăng trưởng tích cực hơn

Theo báo cáo vừa được công bố bởi Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động đã giảm liên tục 5 tháng. Trong tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng bình quân là 7% và 6,5%, lần lượt giảm 36 và 31 điểm cơ bản so với tháng trước.

Mặt khác, các thống kê của chúng tôi tại 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, dù lãi suất huy động đã giảm sâu, song tốc độ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng tại các nhà băng lại tăng trở lại. Cụ thể, tính đến 30/06/2023, các nhà băng trên sàn chứng khoán ghi nhận tổng số dư tiền gửi khách hàng là gần 9,01 triệu tỷ, tăng gần 367 nghìn tỷ đồng (~4,2%) so với cuối tháng 3/2023. Trong khi hồi quý I/2023, tốc độ tăng trưởng tiền gửi chỉ là gần 310 nghìn tỷ đồng (3,7%). 

tm-img-alt
Chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm 2023 tiền gửi vào hệ thống ngân hàng theo đó sẽ tăng trưởng tích cực hơn.

Về việc tại sao có nghịch lý lãi suất giảm, nhưng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng lên, TS. Phùng Thái Minh Trang - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Hoa Sen cho rằng, đây là tín hiệu của sự phục hồi của nền kinh tế và những thành tựu trong việc số hóa, cải thiện quy trình của các nhà băng.

Cụ thể, trong năm 2022, do lạm phát, các quốc gia trên toàn cầu đã phải thắt chặt tiền tệ. Điều này đã làm hạn chế đáng kể các hoạt động tiêu dùng. Việt Nam với độ mở kinh tế đến 200% GDP cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Các doanh nghiệp đã ghi nhận lượng đơn hàng giảm đáng kể, người lao động cũng bị giảm thu nhập, điều này đã dẫn đến dòng tiền vào hệ thống ngân hàng có tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là ở khoản tiền gửi không kỳ hạn CASA.

Tuy nhiên, từ cuối quý III/2022, trước các áp lực trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng lãi suất điều hành. Cùng lúc, lãi suất huy động tại các nhà băng cũng tăng lên, góp phần thu hút một lượng không nhỏ vốn của xã hội chảy vào bù đắp lại phần nào dòng vốn bị thiếu hụt. Điều này có thể được nhìn thấy rất rõ trong việc quý IV/2022 và quý I/2023 tiền gửi có kỳ hạn là nhân tố chính thúc đẩy tổng tiền gửi tăng trưởng.

Theo đó, trong quý IV/2022 tăng trưởng tổng tiền gửi là gần 500 nghìn tỷ, song đã có đến 412 nghìn tỷ là từ tiền gửi có kỳ hạn và tiết kiệm; hay quý I/2023, tiền gửi không kỳ hạn giảm 180 nghìn tỷ, trong khi các khoản tiền gửi tiết kiệm và có kỳ hạn tăng đến 493 nghìn tỷ đồng.

TS.Trang nói thêm, đến cuối quý II/2023, số dư tiền gửi tại các ngân hàng đã quay trở lại đà tăng trưởng, trong đó đáng chú ý nhất là CASA đã có dấu hiệu phục hồi. Điều này cho thấy, thứ nhất các hoạt động kinh tế đang bắt đầu ấm dần lên, thu nhập của doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu phục hồi, tiền cũng theo đó chảy vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Thứ hai ngân hàng dường như là một kênh giao dịch không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, các hoạt động số hóa, cải thiện quy trình của các ngân hàng đã cho thấy những kết quả khả quan, khi người dân sẵn sàng để tiền ở kênh không kỳ hạn.

TS.Phùng Thái Minh Trang đánh giá, tiền gửi tiết kiệm sẽ khó lòng cạnh tranh về mặt lãi suất đối với các kênh tài sản khác, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Đồng thời, các ngân hàng nên hạn chế chạy đua cạnh tranh lãi suất huy động, vì điều này “lợi bất cập hại”. Mặt khác, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi của các ngân hàng trung bình quanh mức 17-20%, trong khi đó có một số ngân hàng ghi nhận con số này trên 50%. Điều này có nghĩa là việc phát triển tiền gửi không kỳ hạn ở các ngân hàng vẫn còn nhiều tiềm năng, bên cạnh đó đây còn là một kênh thu hút nguồn vốn giá rẻ cho các nhà băng, góp phần nới rộng NIM, tăng lợi nhuận.

“Từ nay đến cuối năm, tôi dự báo dưới sự hỗ trợ của nhà nước bằng cả chính sách tài khóa và tiền tệ, các hoạt động kinh tế sẽ tốt hơn. Qua đó, thu nhập của doanh nghiệp và người dân cũng được cải thiện, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng theo đó sẽ tăng trưởng tích cực hơn. Mặt khác, nhờ vào việc tăng cường số hóa, cải thiện quy trình, tiền gửi không kỳ hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng về mặt số dư cũng như tỷ trọng trong tổng tiền gửi”, TS. Phùng Thái Minh Trang dự báo.

Kỳ vọng hạ lãi suất điều hành, tín dụng tăng trưởng nhờ 3 yếu tố

Báo cáo mới đây của Chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023 nhờ kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm NHTM Nhà nước và bổ sung tiền gửi kho bạc nhà nước vào cách tính LDR giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động.

Mức giảm lãi suất điều hành dự kiến khoảng 0,5%, đưa lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu về mức ngang bằng với đáy giai đoạn COVID-19 (lần lượt là 4,0% và 2,5%), từ đó sẽ điều chỉnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và 2.

Lãi suất huy động giảm sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn, từ đó giúp các NHTM có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn vẫn chưa thật sự phục hồi, các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh về thị phần tín dụng sẽ trở nên gay gắt hơn.

Vì vậy việc cạnh tranh để cho vay các doanh nghiệp tốt cũng sẽ là cuộc đua giữa các ngân hàng. Trên cơ sở đó, những ngân hàng nào cung cấp lãi suất hấp dẫn do có chi phí vốn thấp hơn là những ngân hàng sẽ có lợi thế hơn.

Tại báo cáo, MBS cho rằng tín dụng sẽ tăng tốc nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ ba yếu tố tích cực. 

Thứ nhất, xuất khẩu sẽ phục hồi tăng trưởng dương trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như cầu tiêu dùng của Trung Quốc khôi phục lại mạnh mẽ hơn sau khi mở cửa. Thứ hai, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, chính sách tài khoá như giảm thuế VAT từ 10% về 8%, … sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng sẽ phân hoá giữa các ngân hàng, một số NHTM đang khá thận trọng khi cân nhắc các quyết định cho vay cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng. 

Theo MBS, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp tại thời điểm cuối quý II sẽ là những nhà băng có dư địa đẩy mạnh tín dụng vào nửa cuối năm hơn. "Nhìn chung, chúng tôi kì vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 12% - 13% cho cả năm 2023", MBS dự báo.

Về chất lượng tài sản, các chuyên gia phân tích nhận thấy có xu hướng chung là suy giảm nhưng có sự phân hóa rất lớn giữa các ngân hàng dựa trên khẩu vị kinh doanh.Các ngân hàng TMCP Nhà nước có mức tăng thấp hơn đáng kể so với nhóm tư nhân. Trung bình, ba NHTM Nhà nước có tỷ lệ nợ xấu tăng 0,2% so với đầu năm, con số này của nhóm ngân hàng cổ phần là 0,6%. 

Vietcombank, VietinBank và ACB là những ngân hàng có quy mô lớn và mức suy giảm chất lượng tài sản thấp so với trung bình ngành.

Phương Nhi (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao lãi suất giảm nhưng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới