0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 10/11/2021 08:51 (GMT+7)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chính phủ ban hành nhiều chính sách chưa có tiền lệ

Người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh & Xã hội nhận định về chính sách an sinh trong trong dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tính đến hết buổi sáng ngày 09/11, thảo luận Nghị trường về tình hình kinh tế xã hội 2021, đã có 96 đại biểu Quốc hội phát biểu, nêu ý kiến đóng góp về phục hồi lại nền kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch.

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá và nhìn nhận vấn đề an sinh xã hội.

Mở cửa phải nhất quán, khoa học, không dựa vào cảm tính

Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), từ kinh nghiệm chống dịch tại nhiều địa phương và học tập kinh nghiệm từ một số quốc gia, đại biểu đề xuất một số vấn đề cần được toàn hệ thống chính trị và xã hội quan tâm trong thời gian tới.

Theo đó, cần tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai… Bảo vệ cơ sở y tế, các viện dưỡng lão để không trở thành các ổ dịch, và đặc biệt là nhanh chóng tiêm phủ vaccine mũi 1 cho đại bộ phận dân số bởi mũi 1 giúp giảm tỷ lệ tử vong rất cao, sau đó mới tính đến mũi 2, mũi 3.  

tm-img-alt

Việc mở cửa phải từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng, không mở cửa dựa vào cảm tính...Trên thực tế, chúng ta không cần quá sợ COVID, nhưng không thể chủ quan để dịch bùng phát diện rộng.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

Cũng theo PGS. Nguyễn Lân Hiếu, cần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, “không để riêng một bộ chủ trì trong triển khai các lĩnh vực vô cùng quan trọng này”.   

Theo ông Hiếu, hội đồng nghiệm thu phần mềm các app ứng dụng cần phải có các chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết của ngành y tế, công an, quân đội, những người đã và đang trực tiếp tham gia chống dịch. Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh cần triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh hiện tượng "đầu voi, đuôi chuột" của những phần mềm trước đây.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, rào cản lớn nhất trong lĩnh vực này chính là cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất, các quy định, quy trình chưa tường minh dẫn đến hiệu quả còn khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của công nghệ thông tin.

Đại biểu đưa ra kiến nghị nên lấy tiêu chí “đơn giản và rộng mở” để triển khai ứng dụng. Đơn giản là để bất cứ người dân nào có thể sử dụng được, thời gian nạp dữ liệu ngắn nhất. Và rộng mở là có thể thích ứng, tích hợp với tất cả các phần mềm đã, đang và sẽ triển khai trong tương lai..

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, việc mở cửa phải từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng, không mở cửa dựa vào cảm tính, không duy trì chế độ zero COVID-19.

"Chúng ta không cách ly đại trà diện rộng F1, F2, F3… Bởi khi F1 âm tính rồi thì không còn F2, F3 nữa. Vì thế không nên dùng từ F2, F3 bị cách ly nữa. Chúng ta cần trở lại cuộc sống bình thường thông qua việc tuân thủ các quy tắc sống an toàn với dịch. Trên thực tế, chúng ta không cần quá sợ COVID, nhưng không thể chủ quan để dịch bùng phát diện rộng," Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị các cấp có thẩm quyền chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế tuyến huyện, quận, xã, phường. Phải đưa các mục tiêu cụ thể vào trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đối phó với đại dịch chưa có trong tiền lệ, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Thảo luận về vấn đề ứng phó với dịch COVID-19, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng chống dịch. Như công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn, việc chỉ đạo điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động. Ngoài ra, tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân, hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng khi đáp ứng với đại dịch.

Để đối phó với đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đều phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Phải liên tục điều chỉnh các chính sách, chiến lược cho phù hợp.

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch.

Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có một số kết quả, bài học bước đầu:

Thứ nhất, là sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, Nhà nước. Huy động toàn đảng, toàn dân, toàn quân tham gia công tác phòng chống dịch, phát huy được thế mạnh của hệ thống chính trị cơ sở, huy động mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cả nước đồng lòng chống dịch với ưu tiên đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết;

Thứ hai, nhiều kinh nghiệm quý báu với các giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ được áp dụng như cách ly, điều trị F0 tại nhà. Ngoài ra việc xét nghiệm thần tốc, phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động, trung tâm hồi sức tích cực cũng có hiệu quả tốt. Chiến lược phòng chống dịch luôn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tiễn theo từng hoàn cảnh, diễn biến của dịch.

Thứ ba, huy động số lượng lớn các lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Trong đại dịch, chúng ta đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau vượt qua khó khăn. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ, ngành y tế xin được chia sẻ với những mất mát, tổn thất nặng nề về con người tại TP.HCM và các địa phương khác trong thời gian qua.

Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển KT-XH

Về việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và ban hành Quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Việc triển khai chủ trương này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ, các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nhưng vẫn cần đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Bộ trưởng khẳng định: "Trên cơ sở những bài học, kinh nghiệm đúc kết trong quá trình triển khai thực hiện, ngành y tế sẽ nỗ lực, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII. Trước mắt tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần tạo động lực, niềm tin, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong xã hội và tạo điều kiện tốt cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới."

tm-img-alt
Quốc hội khóa XV thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.

Nhiều chính sách chưa có tiền lệ đã được ban hành để hỗ trợ lao động, người dân, doanh nghiệp sau đại dịch

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá và nhìn nhận vấn đề an sinh xã hội: "Việt Nam luôn kiên định một nguyên tắc là phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không hy sinh công bằng xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần. Do đó, có thể thấy, hệ thống an sinh xã hội của chúng ta thời gian qua cơ bản là đáp ứng được các yêu cầu và thực hiện quyền an sinh của người dân, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế."

Bộ trưởng lấy dẫn chứng, chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam tăng trưởng nhanh. Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam cũng đã từng bước hình thành ba chức năng cơ bản là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

Trước băn khoăn của các đại biểu về việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân thời gian vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, nhà nước đã tương đối chủ động với việc này, làm bài bản và thực hiện theo lộ trình đi đôi với xử lý linh hoạt các phát sinh tình huống cụ thể.

Theo đó, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, thay thế Nghị định 136/NĐ-CP. Trong đó, Chính phủ quyết định nâng mức hỗ trợ bình quân cho người yếu thế lên trên 33%, cá biệt có những đối tượng nâng lên 100%.

Đối với người có công, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/NĐ-CP và đảm bảo 7/12 nhóm đối tượng người có công được nâng mức hỗ trợ hàng tháng với số tiền lên trên 1.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời, hiện nay, Chính phủ đang triển khai khẩn trương các chính sách giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch Quốc hội quy định.

Hiện nay, Chính phủ đang điều chỉnh các chính sách tiền lương đối với người nghỉ hưu trí, đặc biệt quan tâm đến người nghỉ hưu trước năm 1995, có lương hưu thấp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, Vừa qua Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân. Ngoài ra, TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách với các khoản chi ngân sách lớn, lo hàng triệu túi an sinh để đảm bảo an sinh xã hội. Đảm bảo cho người dân an tâm ở nhà để tham gia phòng, chống dịch cũng như thực hiện phương châm "an sinh xã hội là trọng yếu, là nhiệm vụ thường xuyên".

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành ba gói hỗ trợ lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách.

Theo đó, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 cho đến nay có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng. Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 qua 4 tháng triển khai, toàn quốc đã phê duyệt 25,9 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng thụ hưởng. Gói hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 của Chính phủ và Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đến nay đã rà soát, hỗ trợ được 363 nghìn người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm cho trên 8 triệu người lao động, với tổng số tiền giải ngân 20,644 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Dung cho hay. 

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chính phủ ban hành nhiều chính sách chưa có tiền lệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023