0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 25/10/2021 13:10 (GMT+7)

BĐS vùng ven hiện nay giá đắt hay rẻ so với khu trung tâm?

Giá BĐS vùng ven đã bật tăng mạnh trong thập kỷ qua so với khu vực trung tâm. Đồng thời, khi quỹ đất tại các thành phố lớn ngày càng khan hiếm, giá cao, nhiều nhà đầu tư đổ về săn đất sào, phân lô.

So với khu trung tâm, giá BĐS vùng ven tăng mạnh hơn

Theo thống kê từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, giá bất động sản (BĐS) vùng ven liên tục tăng qua từng năm và biên độ tăng giá mạnh hơn khu vực trung tâm.

Đơn cử như tại Bình Dương, khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, giai đoạn 2007-2010, giá rao bán chung cư trung bình 6-18 triệu đồng/m2. 

tm-img-alt

(Ảnh minh họa)

Giá rao bán trung bình của loại hình này đến giữa năm 2019 nhảy vọt lên 30-35 triệu đồng/m2 và sang năm 2020, nhiều dự án mới có giá chào bán gần 40-45 triệu đồng/m2, vượt giá bán nhiều khu vực tại TP.HCM.

Tại sự kiện bất động sản do Cafeland tổ chức ngà 23/10 vừa qua, ông Phan Công Chánh, Chuyên gia BĐS cá nhân thông tin, giá đất một số nơi ở quận 9 (nay là TP Thủ Đức) đã tăng 20-40 lần so với 10 năm trước, trong khi khu vực trung tâm chỉ tăng 2-5 lần, cá biệt 6-10 lần.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc giá BĐS vùng ven tăng mạnh hơn BĐS trung tâm, tỷ suất sinh lời theo đó cũng cao hơn nên loại hình này ngày càng gia tăng sức hút đầu tư. Mặt khác, các chuyên gia nhận định nếu so sánh về giá trị tuyệt đối thì giá BĐS vùng ven còn tương đối mềm, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng, bao gồm người lao động mong muốn có nơi an cư lạc nghiệp. 

Theo TS. Đinh Thế Hiển, khi BĐS vùng ven mới dậy sóng vào những năm 2018-2019, nhiều người cho rằng có điều gì đó vô lý nhưng thực tế loại hình này vẫn tăng trưởng trong thời gian qua. 

Lúc nào chúng ta cũng phải mua đất với giá thị trường và giá thị trường bao giờ cũng đắt với người thận trọng, TS. Đinh Thế Hiển cho hay.

Cũng theo ông Hiển, để đánh giá đắt hay rẻ, nhà đầu tư cần chọn một yếu tố tham chiếu, từ đó so sánh với các yếu tố xung quanh. Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Hiển chia sẻ bản thân ông luôn lấy giá căn hộ TP.HCM đã hình thành ổn định để đối chiếu với thị trường lân cận bởi căn hộ là thị trường chuẩn nhất của nhà ở, dễ dàng thống kê giá và với quy mô lớn, tính thanh khoản cao nên số liệu tin cậy.

Bất chấp dịch, giá đất Phú Mỹ tăng, nhà đầu tư đổ về săn đất sào, phân lô

Môi giới tại thị xã Phú Mỹ cho biết, giá đất tại khu vực này vẫn tăng so với trước dịch và nhiều nhà đầu tư tìm đến săn đất sào, đất nền phân lô.

Cụ thể, Thông tin Bà Rịa - Vũng Tàu mở cửa trở lại đã thúc đẩy các hoạt động đi lại, giao thương giữa các địa phương, trong đó có giao dịch đất đai. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, các khu vực thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc bắt đầu được nhà đầu tư săn đất sào (từ 1.000m2 trở lên), đất phân lô biệt thự (từ 300m2 trở lên).

tm-img-alt
Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh:  Internet).

Trong đó, thị xã Phú Mỹ được săn đón nhiều trong thời gian qua bởi địa phương này có tiềm năng về công nghiệp, cảng biển và có nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai. Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2025, thị xã Phú Mỹ được quy hoạch thành thành phố cảng. 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, bất động sản vẫn có nhiều tiềm năng trong trung - dài hạn nhưng thời điểm này không dành cho đầu tư lướt sóng. Mặt khác, nhà đầu tư nên tỉnh táo trong việc đánh giá tiềm năng của khu đất, không đầu tư vào những sản phẩm pháp lý không rõ ràng, khu quy hoạch treo, đất đồng sở hữu,…

Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản vùng ven Sài Gòn

Sự “trỗi dậy” của các thị trường BĐS Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu hay các tỉnh ĐBSCL thời gian qua đúng thời điểm quỹ đất tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM trở nên khan hiếm, giá đất tăng cao. Điều này đã tạo lực hút cho nhiều doanh nghiệp địa ốc chuyển hướng sang các địa bàn vùng ven tìm kiếm cơ hội.

Từ lực hút này, tâm lý sở hữu BĐS của người mua tại vùng ven TP.HCM cũng trở nên mạnh mẽ trong suốt thời gian qua.

Đồng thời, khi quỹ đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng khan hiếm, giá tăng cao, nhiều doanh nghiệp lớn BĐS đã chuyển hướng sang các địa bàn vùng ven tìm kiếm cơ hội. Tâm lý thích sở hữu BĐS của người dân cũng khiến nhu cầu mua nhà khu vực ven trung tâm gia tăng.

tm-img-alt
Sự hiện diện của loạt doanh nghiệp lớn BĐS vùng ven "trỗi dậy".

GS Nguyễn Minh Hoà, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển TP.HCM cho hay, trong phát triển đô thị có khái niệm "ngưỡng đô thị", nghĩa là đến đó là không phát triển thêm được nữa. Đô thị thì có tài nguyên nước, đất… con người thì có thể sinh ra nhưng đất đai không sinh sôi nảy nở. Đến một ngưỡng nào đó, quỹ đất ở trung tâm sẽ dần cạn, buộc con người phải giãn dân ra các khu vực bên ngoài.

Sóng dịch chuyển, đất ngoại thành Hà Nội "hét" giá ngang ngửa khu trung tâm

Mặc dù thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội nhưng giá đất một số nơi, vị trí trên địa bàn của huyện Đông Anh đang được rao bán có mức cao, giá nhiều khu vực ngang ngửa giá đất các quận trung tâm.

Theo các văn phòng môi giới nhà đất, sau thông tin huyện sắp thành thành phố, số lượng người về khu này tìm mua đất tăng hơn hẳn. Họ khẳng định, đất Đông Anh từ lâu đã "hot" và mức giá luôn cao hơn những huyện ngoại thành khác. Thậm chí đợt "sốt đất" đầu năm có nơi giá đất được đẩy lên gấp 9, gấp 10 lần, ở mức hơn trăm triệu đồng/m2, sau đó giá đất có giảm xuống nhưng hiện tại nhiều nơi lại bắt đầu tăng từ 3-5 triệu đồng/m2.

tm-img-alt
Tại Cao Lỗ, xã Uy Nỗ sát trung tâm văn hóa huyện Đông Anh, đất lô góc mặt đường có giá trung bình khoảng 400 triệu đồng/m2, ngang ngửa đất phố ở các quận trung tâm Hà Nội.

Hiện tại muốn tìm mua nhà, đất mặt đường tại khu trung tâm của huyện Đông Anh rất khó và giá rất cao, dao động từ 80-150 triệu đồng/m2, tùy vị trí; đất trong ngõ thì giá "mềm" hơn và rơi vào tầm 35-40 triệu đồng/m2. Nhưng muốn mua khách phải tự đi tìm chứ chủ không treo biển bán.

Đặc biệt, môi giới và người dân khẳng định giá nhà, đất khu vực đường Cao Lỗ, xã Uy Nỗ, gần trung tâm văn hóa huyện Đông Anh (sắp hoàn thành) cao ngất. Theo đó, khu này có giá trung bình khoảng 400 triệu đồng/m2 với đất mặt đường và giá này ngang ngửa với giá đất hiện tại ở các khu phố trung tâm của các quận nội đô Hà Nội.

Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng cho rằng, dự định đưa 3 huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh thành thành phố mới chỉ là ý tưởng, chủ trương cho nên trong quá trình thực hiện chính quyền Hà Nội cần có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ cũng như phải có lộ trình nếu không sẽ tạo nên cơn "sốt đất ảo" đối với các khu vực kể trên.

Do đó ông Tùng khuyến nghị người dân phải bình tĩnh trước những thông tin quy hoạch đi trước. Bởi nếu đầu tư ăn theo thông tin quy hoạch sẽ tạo nên cơn "sốt đất" ảo và cuối cùng đối tượng chịu thiệt nhất chính là người dân.

Bạn đang đọc bài viết BĐS vùng ven hiện nay giá đắt hay rẻ so với khu trung tâm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới