0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 11/11/2021 11:12 (GMT+7)

Bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam

Bảo đảm an ninh năng lượng là một trong những vấn đề được ưu tiên trong chính sách năng lượng quốc gia. Trong những năm trở lại đây, đầu tư cho ngành năng lượng suy giảm tạo ra khoảng trống, gây áp lực lớn lên an ninh năng lượng của nước ta.

Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, Hội thảo chuyên đề số 4 chiều ngày 10/11 vừa qua được thực hiện với chủ đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

tm-img-alt
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công Thương trình Chính phủ vào hồi tháng 10 vừa qua và đang chờ để phê duyệt - Ảnh minh họa

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, để thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Hiển nhấn mạnh tại diễn đàn, việc Việt Nam đã quan tâm đến phát triển năng lượng quốc gia và thực hiện chủ trương năng lượng cần phải đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xác định phát triển năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm: “Trong thời gian qua, phát triển năng lượng nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện; sản xuất và tiêu thụ năng lượng đã gia tăng đáng kể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa”.

tm-img-alt
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển - phát biểu tại Diễn đàn.

Theo thống kê, tổng cung năng lượng sơ cấp năm 2019 đạt 96,228 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng trung bình khoảng 9% năm; tỉ lệ tiêu thụ điện trên tổng tiêu thụ năng lượng ở mức 22,9% vào năm 2015 tăng lên 26,8% vào năm 2019; tiêu thụ năng lượng trên đầu người từ 577,5 kilogam dầu quy đổi (KgOE) vào năm 2015 tăng lên 688,2 kilogam dầu quy đổi (KgOE) vào năm 2019.

Các phân tích, đánh giá hiện nay cho thấy, an ninh năng lượng của Việt Nam chưa thực sự đảm bảo vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Hiện các quốc gia trên thế giới đều hướng tới việc tăng cường sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, xây dựng chính sách ưu tiên phát triển nguồn năng lượng này gắn với những cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu…

Đề cập đến dự thảo Quy hoạch Điện VIII đặt ra yêu cầu “ưu tiên phát triển những nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới”, ông Hiển cho biết, tỉ lệ điện năng mặt trời sẽ chiếm khoảng 5,4-5,9% vào năm 2030, năm 2045 tăng lên đạt tỉ lệ 8,4%. 

Năm 2030, đối với điện gió trên bờ và gần bờ, tỉ lệ điện năng gió trên bờ và gần bờ sẽ chiếm khoảng 6,5%; về điện gió ngoài khơi, đạt khoảng 2.000MW hoặc có thể cao hơn khi điều kiện thuận lợi vào năm 2030.

Đối với điện từ chất thải rắn, sinh khối và các dạng năng lượng tái tạo khác, phấn đấu đến năm 2030, điện năng sản xuất từ các nguồn này đạt khoảng 0,9-1%, tăng lên 2,2-2,5% vào năm 2045.

Qua các số liệu dự kiến trên, ông Hiển đánh giá công suất nguồn và tỉ lệ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn 2030-2045 với kỳ vọng của các tiến bộ khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển sẽ làm giảm mạnh suất đầu tư và giá thành điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Đáng chú ý, chi phí điện quy dẫn (LCOE) của các dự án điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới có thể thấp hơn các dự án điện sử dụng các dạng năng lượng truyền thống khi tính đủ các chi phí ngoại biên.

Về việc cần sớm xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021-2030 khi điều này “thực sự rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, ông Hiển một lần nữa nhấn mạnh.

Trong số những nước chịu nhiều thiên tai nhất thế giới dễ bị tổn thương bởi hạn hán, bão, lũ lụt, Việt Nam đứng thứ 7… Mỗi năm, khoảng 852 triệu USD (0,5% GDP của Việt Nam) và 316.000 việc làm trong các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp phải hứng chịu rủi ro do lũ lụt trực tiếp gây ra.

Chính vì vậy, theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam lại phải càng chú trọng đến yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh gắn với mục tiêu giảm thiểu và với thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại phiên Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu thế giới COP-26 vừa qua tổ chức tại Vương quốc Anh vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết rằng Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đây là thách thức lớn cho cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng tạo ra cơ hội lớn cho phát triển năng lượng xanh trong thời gian tới tại Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết Bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới