0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 28/04/2022 15:13 (GMT+7)

Áp lực giá xăng dầu, đề xuất giảm thuế có 'đỡ' gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải?

Theo Bộ GTVT, đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, trước mắt chưa xem xét điều chỉnh tăng giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Chi phí nhiên liệu chiếm 45% chi phí vận tải đường bộ

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ tác động tăng giá nhiên liệu đến giá dịch vụ vận tải các lĩnh vực: Hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy. Đồng thời, đề xuất kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngành vận tải trước sức ép xăng dầu tăng giá.

Theo đó, giá xăng dầu đã tăng 27% so với đầu năm và 50% so với giá xăng bình quân năm 2021. Cụ thể, từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 (11/1 - 11/3), đã có 6 kỳ điều hành giá. Giá xăng dầu các loại tăng từ 4.625 - 7.030 đồng/lít/kg, tương đương tăng từ 24,91 - 39,56%.

Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí vận tải, bình quân 35 - 50% tùy theo phương thức vận tải. Trước đây, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 35% chi phí của hoạt động vận tải đường bộ. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với việc tăng giá xăng, dầu, hiện nay chi phí nhiên liệu đã chiếm tới 40 - 45% chi phí của vận tải đường bộ. Đường bộ là lĩnh vực nhạy cảm nhất với biến động giá nhiên liệu, do đó các doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng có xu hướng đề xuất điều chỉnh giá cước.

Cụ thể, đến nay có khoảng 80 - 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải đề bù đắp chi phí nhiên liệu với mức tăng từ 10 - 15%. Giá cước vận tải hàng hóa cũng được điều chỉnh tăng từ 7 - 10%.

Áp lực giá xăng dầu, đề xuất giảm thuế có 'đỡ' gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải? - Ảnh 1
Trước áp lực tăng giá xăng dầu, hiện nay chi phí nhiên liệu đã chiếm tới 40 - 45% chi phí của vận tải đường bộ. (Ảnh minh họa)

Đối với ngành đường sắt, hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt hiện đang cạnh tranh về giá dịch vụ so với các phương thức vận tải khác. Do đó, giá cước vận tải hành khách của ngành đường sắt vẫn giữ ổn định so với trước thời điểm biến động giá nhiên liệu nhằm thu hút hành khách đi tàu và góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của ngành.

Với các hoạt động vận tải hàng hóa, do đặc thù về hiệu quả sử dụng nhiên liệu của ngành đường sắt so với các phương thức khác, do đó mức tăng giá cước vận tải hàng hóa chỉ từ 3 - 5%.

Đối với lĩnh vực vận tải biển, giá nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí, khoảng 35 - 45%, do vậy giá nhiên liệu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên đến thời điểm này, hầu hết các hãng tàu chưa điều chỉnh tăng giá cước vận tải theo giá nhiên liệu. Chỉ có một số ít hãng tàu đã điều chỉnh tăng phụ thu giá nhiên liệu từ tháng 3/2022 (như hãng tàu Yangming, hãng tàu SITC).

“Đến nay, giá cước vận tải biển chưa bị tác động nhiều bởi giá nhiên liệu. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng cao và kéo dài có thể sẽ tác động đến giá cước vận tải biển trong thời gian tới", Bộ GTVT đánh giá.

Đối với ngành hàng không, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 30 - 42% tổng chi phí chuyến bay của các hãng hàng không. Vào cuối tháng 3, khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá nhiên liệu Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao. Theo dữ liệu thống kê của IATA (Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế) ngày 1/4/2022, giá nhiên liệu Jet A1 khu vưc châu Á lên tới 132,63 USD/thùng, dự báo giá Jet A1 bình quân năm 2022 là 121,9 USD/thùng.

Để giải quyết cơ bản ảnh hưởng của biến động giá Jet A1 đối với các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã tổng hợp ý kiến của các hãng hàng không và đề xuất Bộ GTVT xem xét phương án điều chỉnh tăng mức giá tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

"Trong giai đoạn chưa điều chỉnh tăng mức giá tối đa, do giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt nên các hãng hàng không vẫn có thể chủ động điều chỉnh các mức giá và tỷ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động giá nhiên liệu", Bộ GTVT cho hay.

Doanh nghiệp gặp khó

Trước áp lực xăng dầu ngày càng gia tăng, nguy cơ phá sản đang là lo ngại của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông - vận tải hiện nay.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách vẫn chưa hoạt động hết công suất. Nếu xây dựng giá cước tương đương với giá nguyên liệu hiện nay sẽ rất cao, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Vì thế, một số đơn vị đang cân nhắc tăng ở mức thấp, vừa tháo gỡ khó khăn, vừa có mức giá phù hợp để giữ chân khách.

Ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học, đơn vị có nhiều đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình cho biết, 2 năm nay, đơn vị đang cố cầm cự vì dịch Covid-19 kéo dài. Giờ giá xăng, dầu tăng cao chẳng khác nào cú "đánh bồi" đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

Còn ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn - Hải Vân, doanh nghiệp chuyên chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai, cho rằng, giai đoạn bình thường, chi phí nhiên liệu của đoàn xe khoảng hơn 4 tỷ đồng/tháng. Đến nay, khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp, mỗi tháng, doanh nghiệp mất thêm khoảng 400 triệu đồng, vì thế khó khăn thêm chồng chất.

Với giá xăng, dầu hiện tại, chi phí vận hành của các doanh nghiệp vận tải bị đội lên nhiều, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang lựa chọn gồng khoản chi phí này để duy trì mức giá cạnh tranh.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát sở hữu hãng xe Sao Việt cho biết: Với đà tăng giá xăng này, doanh nghiệp khó tránh khỏi việc phải tăng giá cước. Thực tế sau nhiều lần giá xăng trong nước tăng, doanh nghiệp phải gồng mình hoạt động. Với giá xăng cao như hiện nay thì giá vé phải tăng 30% - 35% mới đảm bảo hoạt động, nhưng với mức tăng cao như thế sẽ rất khó để hành khách chấp nhận, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhu cầu hành khách đang giảm. Công ty đang lên phương án và bàn với các đơn vị thành viên tính toán phương án phù hợp.

Áp lực giá xăng dầu, đề xuất giảm thuế có 'đỡ' gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải? - Ảnh 2
Áp lực xăng dầu ngày càng gia tăng, nguy cơ phá sản đang là lo ngại của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông - vận tải hiện nay. (Ảnh minh họa)

Tương tự, nhiều nhà thầu thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đang vô cùng khó khăn. Đại diện một nhà thầu tham gia thi công đoạn Dầu Giây - Phan Thiết chia sẻ, xăng, dầu là loại nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, chiếm phần lớn chi phí ca máy. Việc giá xăng và dầu diesel hiện đã tăng gấp đôi so với giá bỏ thầu khiến nhà thầu này bị tăng chi phí 5-10 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp lĩnh vực giao thông - vận tải mong muốn nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần sớm có giải pháp bình ổn giá xăng, dầu, đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét cơ cấu về thuế, phí để điều hành giá xăng, dầu, giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vận tải.

Kiểm soát giá cước vận tải và ổn định lạm phát

Đề cập đến giải pháp kiểm soát giá cước vận tải, Bộ GTVT cho biết, với mục tiêu giữ ổn định giá và kiểm soát lạm phát, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá.

Theo đó, đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, trước mắt chưa xem xét điều chỉnh tăng giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa và giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Chỉ đạo UBND các địa phương quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền có chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển; phí đậu, đỗ đón khách tại nhà ga, bến cảng.

Bộ GTVT xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không. Các bộ, ngành triển khai có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và Công điện số 291/CĐ-TTG ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm: Thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường 3.800-4.000 đồng/lít. Ngoài thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm, thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, trong khi nghị quyết mới đây của Quốc hội về giảm thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ lại không có mặt hàng xăng, dầu.

"Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, Nhà nước có thể tạm thời điều chỉnh giảm các khoản thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng, dầu để giúp doanh nghiệp bớt áp lực. Giá xăng, dầu thế giới đang được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Giá xăng, dầu trong nước tăng theo thì doanh nghiệp rất khó khăn. Giảm được loại thuế, phí gì hỗ trợ doanh nghiệp lúc này mà trong khả năng làm được thì nên làm ngay”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Áp lực giá xăng dầu, đề xuất giảm thuế có 'đỡ' gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới