Các chính sách xanh của EU: Động lực và áp lực với hàng xuất khẩu
Dịch chuyển theo hướng “xanh hóa” tại châu Âu sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam trong hành trình đi tới nền kinh tế xanh hàng hoá xuất khẩu.
Áp lực từ các chính sách xanh châu Âu
EU là thị trường lớn cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam và mỗi thay đổi trong chính sách của thị trường này sẽ tác động lớn đến hàng hoá xuất khẩu. Đơn cử, theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ - Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU hiện đang đứng trước những thách thức mới đến từ các “chính sách xanh” của EU với những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu. Thỏa thuận xanh châu Âu như một mục tiêu, một chiến lược của EU để giúp khối này giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050.
Bước sang năm thứ tư thực hiện Thỏa thuận Xanh, EU đã ban hành nhiều chính sách tác động trực tiếp đến hàng hóa nhập khẩu. Đáng chú ý là Chiến lược "Từ trang trại đến bàn ăn" (Farm to Fork - F2F) và Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn mới (new Circular economy action plan – CEAP), tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất chế biến. Bên cạnh đó, các chính sách về đa dạng sinh học, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) và quản lý chất thải cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu. Dự kiến, danh sách các chính sách này sẽ còn tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững vào năm 2050. Có thể nói, Thỏa thuận Xanh Châu Âu đã và đang tạo ra những thay đổi lớn đối với hoạt động thương mại toàn cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường. Từ các sản phẩm nông nghiệp đến công nghiệp, tất cả đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn bền vững cao nhất
Đơn cử, Adidas với Nike đều đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hay đến năm 2030 dùng 50% nguyên liệu tái chế được. Họ đều có một chương trình phát triển bền vững rất cụ thể và doanh nghiệp dệt may Việt Nam làm hàng theo yêu cầu của họ cũng phải có những thay đổi về mặt nguyên liệu. Ví dụ như doanh nghiệp trong ngành sợi của Vinatex, 20% sản phẩm ngành sợi đang theo hướng sợi tái chế và tuần hoàn. Doanh nghiệp phải mua bông organic hoặc mua những nguồn nguyên liệu mang tính chất tự nhiên và có thể tái chế được.
Các chính sách xanh của EU đang đặt ra những thách thức mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Để tiếp cận thị trường này, các doanh nghiệp không chỉ phải đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn phải chứng minh được rằng sản phẩm của họ thân thiện với môi trường và được sản xuất theo các quy trình bền vững. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm.
Động lực thúc đẩy doanh nghiệp xanh hóa
Tuy nhiên, việc đáp ứng các yêu cầu này cũng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở ra cơ hội tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng trên toàn cầu.
Mặc dù các chính sách xanh của EU đặt ra thách thức lớn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, chuyển đổi xanh lại là một cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Bằng cách chủ động thích ứng, doanh nghiệp sẽ tiên phong tiếp cận thị trường sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU, nơi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng hướng tới các sản phẩm bền vững. Hơn nữa, việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh của EU sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng thâm nhập các thị trường khác trên thế giới cũng đang đặt mục tiêu phát triển bền vững. Không chỉ vậy, chuyển đổi xanh còn giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh; đồng thời, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam trong các ngành có liên quan cần theo dõi sát diễn tiến các chính sách xanh ở EU; nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình; và có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng, và bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước, hiệp hội, tổ chức có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thích ứng với các tiêu chuẩn xanh EU này của doanh nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết về các tiêu chuẩn xanh EU theo nhóm sản phẩm cụ thể; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện; và phối hợp với phía EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp, về các hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thay vì tập trung vào gia công thô, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ chế biến sâu và phát triển sản phẩm có tính khác biệt. Ví dụ, trong ngành gỗ, thay vì xuất khẩu nguyên liệu hoặc sản phẩm chưa hoàn thiện, các doanh nghiệp nên tập trung vào sản xuất đồ nội thất cao cấp, có thiết kế độc đáo, hay là đồ nội thất thông minh gắn với công nghệ, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng EU. Đối với nông sản và thủy sản, chế biến thành các sản phẩm giá trị gia tăng như thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, hoặc sản phẩm hữu cơ cũng sẽ giúp tăng giá trị xuất khẩu.
Minh Thành