Xuất khẩu thủy sản tăng ngoài mong đợi, dự kiến cán đích 8,67 tỷ USD
Dự kiến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cán đích 8,67 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020.
Bất chấp dịch bệnh, nỗ lực vượt qua khó khăn
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu, chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực cùng những yếu tố khách quan như về giá cước vận chuyển, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến cán đích 8,67 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020.
Có thể thấy, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ thuận lợi trong quý I/2021. Từ quý II/2021 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã đè nặng lên toàn bộ chuỗi thủy sản cả nước như con tôm, cá tra, cá ngừ và các loại thủy hải sản khác.
Theo đó, có tới 50% nhà máy chế biến tôm và cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã phải đóng cửa, trong 50% nhà máy còn lại, lực lượng lao động chỉ hoạt động 30% công suất của nhà máy kể từ tháng 7/2021 cho đến tháng 11/2021 bởi dịch bệnh vẫn còn diễn ra gay gắt.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, dẫu biết rằng cố gắng sản xuất trong thời gian giãn cách không giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, ngược lại còn hao tốn chi phí cho một loạt sản phẩm không tăng giá trị.
Nhưng đây là cách duy nhất để doanh nghiệp duy trì sản xuất, đáp ứng các hợp đồng đã ký kết trước đó một cách tạm thời, giữ được thị trường trong giai đoạn khó khăn nhất.
Bày tỏ sự chia sẻ về vấn đề này, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn cho biết, trong quá trình thực hiện giãn cách, doanh nghiệp chế biến cá tra đã phải nỗ lực xử lý để nguồn nguyên liệu về nhà máy đúng hạn.
Có những lúc chậm trễ, nhưng Vĩnh Hoàn không thể để nhà máy không có nguyên liệu. Chi phí phát sinh trong giai đoạn này quá lớn, lại không tăng thêm giá trị cho sản phẩm bán ra, nhưng doanh nghiệp không còn cách nào khác để duy trì sản xuất, giữ vững thị trường.
Kim ngạch xuất khẩu vượt ngoài mong đợi
Vượt qua khó khăn, không ngừng nỗ lực đã giúp ngành chế biến xuất khẩu thủy sản mang về nguồn kim ngạch vượt ngoài sự mong đợi.
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, tổng sản lượng tôm nuôi năm 2021 ước đạt 970 nghìn tấn (tăng 4,3% so với năm 2020); trong đó, tôm sú đạt 277,5 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 642,5 nghìn tấn, còn lại là tôm khác.
Kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020. Con cá tra và nhiều mặt hàng chủ lực như cá ngừ, bạch tuộc, mực... cũng đóng góp vào tăng trưởng chung này.
Theo đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam xác định vẫn phải hoàn tất thủ tục để tiến vào thị trường Trung Quốc thuận lợi.
Mặt khác, ngoài thị trường Trung Quốc, Hiệp hội vẫn còn nhiều dư địa mở rộng thị trường cho mặt hàng thủy sản Việt Nam như Canada, Mexico,…
Hiện, Canada đang là thị trường đầy tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam. Theo nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Canada tăng trưởng khoảng 7%/năm.
Một số mặt hàng của Việt Nam đã khẳng định vị trí tại Canada bao gồm: tôm đông lạnh và tôm chế biến khoảng 3,4 tỷ đô la Canada/năm, chiếm khoảng 30% thị trường Canada, cá basa khoảng 37 triệu đô la Canada/năm và cá ngừ (vây vàng và mắt to) khoảng 6 triệu đô la Canada, chiếm khoảng 80% thị trường Canada.
Với những lợi thế này, xuất khẩu thủy sản Việt Nam được các doanh nghiệp đề ra mục tiêu sẽ đạt 8,9 tỷ USD trong năm 2022.