0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 24/12/2021 10:51 (GMT+7)

Xuất khẩu dệt may về đích ngoạn mục, cán đích 39 tỷ USD năm 2021

Được biết, 3 tháng cuối năm, xuất khẩu dệt may đạt doanh thu 39 tỷ USD. Điều này tạo cơ sở mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành trong năm tới.

Đi qua thách thức, cán đích ngoạn mục

Năm 2021 là một năm đầy thách thức của tất cả các ngành, trong đó có ngành dệt may. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, ngành dệt may đã cán đích năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 12% so với 2020 và tăng 0,3% so với 2019.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong tháng 8 giảm xấp xỉ 16% so với tháng 7 và giảm gần 2,7% so với tháng 8/2020. Sang tháng 9, xuất khẩu chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với tháng 8 và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, năm 2021, ngành dệt may đứng trước sức ép rất lớn khi chi phí gia tăng, chuỗi cung ứng sản xuất đứt gãy, lao động bị thiếu hụt và áp lực của đại dịch, các đơn hàng bị gián đoạn. Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.

Lý giải về nguyên nhân là do 3 tháng cuối năm, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản,… mở cửa trở lại, Việt Nam thay đổi chính sách từ “zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, tạo lực đẩy cho ngành dệt may gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Theo thống kê của Vitas, các thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam gồm: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Theo đó, tại phía Bắc, Tổng CTCP May Hưng Yên cho biết, năm 2021, doanh thu gia công của Công ty đạt 126 triệu USD, tăng hơn 21 triệu USD so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 346 triệu USD, tăng 20% so với năm 2020, thu nhập của người lao động được cải thiện hơn.

“Dù vây, lợi nhuận năm nay tăng không đáng kể do chi phí sản xuất (cước vận tải, chi phí lao động…) tăng quá cao. Chưa kể, doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi về doanh thu xuất khẩu bởi tỷ giá giảm”, đại diện Công ty cho hay.

Còn nhiều khó khăn song vẫn còn nhiều cơ hội

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn còn diến biến phức tạp, khó lường, song thị trường cũng có những tín hiệu tích cực, nên xuất khẩu được nhận định vẫn có cơ hội tăng trưởng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, xuất khẩu dệt may năm 2022 dao động ở mức 40 tỷ USD, tính toán dựa trên tỷ lệ lao động trở lại làm việc 60 - 80% từ quý IV/2021 đến quý I/2022.

Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may không thiếu đơn hàng, nhưng để đáp ứng yêu cầu sản xuất như điều kiện bình thường là rất khó khăn, bởi nhiều công xưởng lớn vẫn đang thiếu lao động. Bởi vậy, ngay tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng khá thận trọng khi nhận đơn hàng.

Chia sẻ về một số khó khăn khác mà ngành dệt may phải đối mặt, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó chủ tịch Vitas phân tích, mặc dù Việt Nam đã ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương…), mang lại nhiều đơn hàng và lợi thế xuất khẩu đến các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, nhưng chi phí logistics cao, tình trạng thiếu container rỗng, ùn tắc vận tải biển, áp lực khó giao hàng đúng hẹn… tiếp tục là rào cản với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà mua hàng quốc tế trong năm 2022.

Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thông suốt, đáp ứng các đơn hàng của đối tác, Vitas kiến nghị tiếp tục triển khai “chiến lược vắc-xin” trong điều kiện “bình thường mới”. Đặc biệt, cần đưa quy định tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19 là điều kiện để người dân được tham gia các hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêm liều vắc-xin phòng Covid-19 thứ 3 cho người lao động.

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu dệt may về đích ngoạn mục, cán đích 39 tỷ USD năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới