0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 13/12/2021 14:35 (GMT+7)

Xi măng và clinker xuất sang Trung Quốc: Khó chồng thêm khó

VCBS dự báo sản lượng xuất khẩu clinker và xi măng sang Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh vì thị trường BĐS tại nước này đang suy yếu, kèm theo thuế xuất khẩu clinker của Việt Nam dự kiến tăng lên 10% đầu 2023.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm, xuất khẩu clinker và xi măng sang Trung Quốc đạt 20 triệu tấn, tương đương 728 triệu USD, tăng hơn 10% về lượng và tăng 20% về giá trị, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam. 

Tuy nhiên, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS) dự báo, trong thời gian tới sản lượng xuất khẩu clinker và xi măng sang Trung Quốc sụt giảm mạnh vì thị trường bất động sản tại thị trường này đang suy yếu, kèm theo thuế xuất khẩu clinker của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 10% đầu 2023.

Theo VCBS, nhu cầu tiêu dùng xi măng tại thị trường này sẽ suy giảm do thị trường bất động sản Trung Quốc chững lại. Trung Quốc đang chạy đua thực hiện kế hoạch 5 năm về giảm phát thải carbon, đặc biệt khi thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh sắp diễn ra vào quý I/2022.

Do đó, nước này đang cắt giảm tối đa sản lượng sản xuất xi măng vì mặt hàng này cần sử dụng nhiều than, lượng phát thải carbon, bụi cao gây tác động xấu đến môi trường.  

Ngoài ra, thị trường bất động sản Trung Quốc chững lại vì nước này áp dụng chính sách "3 lằn ranh đỏ" làm hạn chế khả năng vay nợ và đảo nợ của các nhà đầu tư bất động sản. Cùng với đó, sự kiện Evergrande cũng làm nguội bớt thị trường bất động sản tại Trung Quốc.

Trong khi đó, Việt Nam dự kiến tăng thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10%. Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính Phủ tăng mức thuế suất lên nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

tm-img-alt
Tỷ lệ tiêu thụ xi măng tại Việt Nam.

Trái ngược với xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ nội địa sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022 khi Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng với dịch Covid-19 vào quý IV, thích đẩy giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực xây dựng.

Tuy nhiên, giá thành sản xuất, đặc biệt là giá than đang tăng phi mã, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, giá than nhập khẩu vẫn giữ ở mức 154 USD/tấn, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn giá than trong nước đang dao động 100 USD/tấn, tăng 9 - 12% so với cùng kỳ năm 2020.

Bước sang năm 2022, giá than dự kiến tăng mạnh do chi phí sản xuất khai thác than hầm lò cao, gây thêm áp lực cho giá thành sản xuất xi măng trong nước.

Giá nguyên liệu tăng nhưng doanh nghiệp khó tăng giá bán sản phẩm bởi nguồn cung trong nước đang dư thừa. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xi măng đã và đang gặp áp lực lớn.

Trước đó, dịch Covid-19 khiến sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước giảm mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quý III, doanh thu thuần của CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) giảm 48% xuống gần 1.039 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế lỗ 19,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 148 tỷ đồng.

Tương tự, doanh thu thuần của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) đạt doanh thu 878 tỷ đồng, giảm 16,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 151 triệu, giảm 99,5% so với quý III/2020.

Bạn đang đọc bài viết Xi măng và clinker xuất sang Trung Quốc: Khó chồng thêm khó. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới