0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 28/07/2022 07:35 (GMT+7)

Xây dựng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thành đô thị năng động, sáng tạo

Xây dựng Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các TP trực thuộc TƯ thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á.

Mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế

Ngày 26/7 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn quốc tế đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 cho thấy, mục tiêu kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững. Qua đó hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược; mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Xây dựng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thành đô thị năng động, sáng tạo - Ảnh 1
Mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa)

Ở giai đoạn 2011-2020, không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế: Số lượng đô thị tăng từ 755 đô thị năm 2010 lên 859 đô thị năm 2020, mật độ đô thị tăng từ 2,28 đô thị/1.000 km2 năm 2010 lên 2,59 đô thị/1.000 km2 năm 2020. Nhiều vùng có tỷ lệ đô thị hóa khá cao như vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ đô thị hóa đạt 64,8%, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 64,7% năm 2020. Kinh tế đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Hình thành 2 vùng đô thị lớn (vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM); các chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền, trên trục kinh tế Bắc - Nam, hành lang Đông - Tây, dải ven biển. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trong các ngành, lĩnh vực quan trọng: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp (2 vùng công nghiệp lớn của cả nước (Đông Nam Bộ, Bắc Đồng bằng sông Hồng); Vùng công nghiệp tập trung chế biến nông sản, thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long; các trung tâm công nghiệp chuyên ngành: Cơ khí chế tạo, điện tử; lọc hóa dầu, khí; điện lực; đóng tầu...); Hình thành các vùng trọng điểm phát triển du lịch.

Dù vậy, không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng còn hạn chế, một số địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình. Các tỉnh, TP tập trung phát triển trong địa giới hành chính, ít phối hợp với các tỉnh lân cận để phát huy lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Một số địa phương phát triển không dựa trên các lợi thế so sánh, thiếu tầm nhìn dài hạn, nhất là trong xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch... Công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế.

Có thể nói, bốn vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn: Bao gồm 24/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, chiếm 27,5% diện tích, 53,1% dân số cả nước chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội. Nhiều địa phương (14/24) thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới mức trung bình cả nước (năm 2020).

Bộ KH&ĐT cho rằng, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đến năm 2030, hình thành rõ nét một số vùng động lực, các hành lang kinh tế trọng điểm. Hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục Bắc - Nam, các trục Đông - Tây quan trọng, các hành lang kinh tế trọng điểm các vùng, các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, các cảng hàng không quốc tế lớn. Giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển, các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn. Cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2050, các vùng phát triển hài hoà, bền vững, phát huy tiềm năng, khai thác tốt nhất các thế mạnh, liên kết cùng phát triển; Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các trục Đông - Tây quan trọng, các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, các cảng hàng không quốc tế lớn.

Về quy mô dân số năm 2030 khoảng 105 triệu người; năm 2050 khoảng 115 triệu người. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030; khoảng 6,5-7,5%/năm giai đoạn 2031-2050; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người; đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD/người; Tỷ lệ dân số đô thị đến năm 2030 đạt trên 50%, đến năm 2050 đạt khoảng 70-80%.

Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; đến năm 2050 có trên 9.000 km đường bộ cao tốc; hoàn thành đường sắt tốc độ cao; Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt 32 m2…

Các hành lang kinh tế Bắc - Nam; Đông - Tây. Các vùng động lực như: Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (tam giác động lực phía Bắc). Tứ giác TP.HCM- Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu (tứ giác động lực phía Nam). Khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi (vùng động lực miền Trung). Tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang. Ưu tiên đầu tư phát triển 7 khu du lịch quốc gia: Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hội An - Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).

Phát triển hệ thống đô thị quốc gia, đầu tư hạ tầng đô thị trọng điểm

TS Danny Leipziger (WB) bình luận về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam cho biết, dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến môi trường, biến đổi khí hậu và hành lang kinh tế. Việc điều chỉnh quy hoạch giữa kỳ cũng được nhắc đến. Một số vùng kinh tế, với các dự án quy mô lớn cần được lựa chọn kỹ, đánh giá lại chất lượng đầu tư hiện tại trước khi tính tới dự án đầu tư mới.

Về công bằng và hiệu quả, chúng ta cố gắng kết nối quy hoạch đô thị và sử dụng đất, giữa đô thị trung tâm và đô thị nông thôn. Một số nơi dân số sẽ tập trung và cần đầu tư thêm. Cần kết nối các thành phố nhỏ với các đại đô thị lớn, là định hướng đúng đắn, việc tạo ra các khu kinh tế mới sẽ rất tốn kém, TS Danny Leipziger cho hay.

Chính vì thế, khi triển khai Việt Nam cần dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng vùng, có ưu thế gì, có kết nối, tài nguyên… Cơ bản, nên tận dụng các lợi thế sẵn có về tài nguyên, con người… Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng nhìn vào rủi ro và đề phòng nó. Mục tiêu tăng trưởng GDP rất lạc quan, có nhưng cũng phải tính đến các yếu tố khác liên quan đến sử dụng vốn, năng suất sử dụng vốn,…

Góp ý về định hướng phát triển hệ thống đô thị Quốc gia trong dự thảo quy hoạch tổng thể Quốc gia của Việt Nam, TS Phó Đức Tùng (WB) cho rằng, việc phát triển hệ thống đô thị quốc gia cần đảm bảo các yếu tố bền vững và an ninh quốc phòng. Quy mô của hệ thống đô thị tất yếu sẽ tăng, tỷ lệ đô thị hoá dự kiến đạt 50% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050, dự kiến đóng góp tới 85% vào GDP năm 2030, tỷ lệ đất xây dựng đô thị đạt 2,3% diện tích tự nhiên. Hệ thống đô thị cần phải phát triển thành mạng lưới, có mối liên kết hệ thống, chứ không chỉ là một tập hợp các điểm đô thị rời rạc.

Quy hoạch và hạ tầng cần đi trước một bước, làm định hướng cho phát triển đô thị. Quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia cần có định hướng về những xu thế phát triển và dịch chuyển không gian lớn cấp quốc gia của hệ thống đô thị, để có những giải pháp định hướng, chứ không chủ là những phát triển tự phát.

Bộ KH&ĐT cũng cho hay, quan điểm, mục tiêu của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả. Phát triển theo hướng bền vững; bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, cần tính đến các giải pháp nguồn lực như giải pháp huy động vốn đầu tư, giải pháp về cơ chế chính sách, về khoa học công nghệ, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch.

Các lĩnh vực ưu tiên sẽ cần được quan tâm nhiều hơn. Quy hoạch cần thể hiện tầm nhìn phát triển, trên phương pháp luận rõ ràng, cơ sở phân tích chắc chắn. Cần cân đối giữa các mục tiêu khác nhau, giữa hiệu quả và công bằng trong nhiều nội dung.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được ưu tiên theo trình tự, kết quả để đảm bảo quy hoạch theo thực chất, đảm bảo quy hoạch sát thực tế. Trong quá trình triển khai quy hoạch phải cải thiện quy trình đầu tư công, từ lựa chọn đến giải ngân. Nhưng năm qua, quá trình triển khai đầu tư công đã bị chững lại ít nhiều.

Đại diện WB tại Việt Nam bày tỏ: “Quy hoạch sẽ không ý nghĩa nếu đầu tư công không được cải thiện, đẩy nhanh. Chúng ta cần suy nghĩ, cân nhắc về các cản trở, ách tắc để triển khai nhanh các quy hoạch không gian này. Đơn cử như câu chuyện giải phóng mặt bằng. Nếu quy hoạch xây dựng tốt mà có rào cản trong đầu tư công thì cũng ảnh hướng đến lộ trình này. Ngân hàng thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới”.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thành đô thị năng động, sáng tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới