Từ tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đến các bất cập trong quy hoạch đô thị?
Việc quá tải gây ách tắc giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh. Xây dựng nhiều cao ốc tại trục đường Lê Văn Lương là một phần tăng tải khiến giao thông khu vực này ùn tắc.
Điều chỉnh quy hoạch có phù hợp?
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2022 do UBND TP.Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo Sở QH - KT Hà Nội đã thông tin, lý giải làm rõ một số điểm trong Kết luận số 39/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng về việc thanh tra tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình và Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính.
Cụ thể, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một số dự án dọc tuyến đường này.
Tại 31 dự án, công trình, chủ đầu tư thi công sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế được phê duyệt. Việc thực hiện quy hoạch đầu tư, xây dựng dự án không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, không đúng tiến độ, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 dẫn đến không đảm bảo về môi trường, kiến trúc cảnh quan và đời sống cư dân đô thị.
Với các dự án được lập, chấp thuận tổng mặt bằng phương án kiến trúc tỷ lệ 1:500 rồi điều chỉnh nhiều lần, có dự án điều chỉnh tới 5 lần điều chỉnh nhưng không được công bố công khai minh bạch, dẫn đến tổ chức cá nhân, có trách nhiệm trong quản lý đô thị không biết để quản lý, giám sát thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng năm 2003, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Cùng với đó, quy hoạch chi tiết 2 bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 có một số chỉ tiêu quy hoạch không đúng với quy chuẩn, không thuyết minh, tính toán như: Không đảm bảo nội dung về bố trí vườn hoa, sân chơi trong các nhóm nhà, bán kính phục vụ không lớn hơn 300 m, không bố trí trạm y tế, sân tập luyện, chợ, trường THPT, trường THCS, trường tiểu học, đất công trình giáo dục không đạt 2,7 m2/người, diện tích trường mầm non thiếu trên 12.000 m2, diện tích đất cây xanh công cộng đơn vị thiếu gần 35.000 m2...
Liên quan tới thông tin Kết luận thanh tra về sai phạm trong quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, chất tải cao tầng gây sức ép quá tải lên hạ tầng giao thông, trong buổi họp báo mới đây của UBND TP.Hà Nội, đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc đã có một số phản biện lại Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Nhiều lần điều chỉnh quy hoạch không thuộc trường hợp được điều chỉnh
Theo thông tin, trong kết luận thanh tra chỉ ra: UBND TP.Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có nhiều lần điều chỉnh quy hoạch mà không thuộc trường hợp được điều chỉnh đối với nhiều dự án trên trục Lê Văn Lương. Các đồ án quy hoạch phân khu cập nhật không đúng quy hoạch chi tiết. Đại diện Sở này phản biện cần xem xét lại bối cảnh năm 2008 hợp nhất Hà Nội - Hà Tây đã thay đổi địa giới hành chính, thay đổi nhiều định hướng phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Nên UBND TP đã chỉ đạo rà soát quy hoạch khu vực, nghiên cứu đề xuất phương án định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hai bên trục đường xuyên tâm của Thủ đô này.
Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Qua các thời kỳ từ 2002 tới nay thì trục Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng cao tầng. Và để chỉnh trang 1.000 năm Thăng Long thì Bộ Xây dựng cũng đã thống nhất cái việc mà điều chỉnh theo hướng nâng tầng cao các công trình tại đây. Cái nội dung định hướng cao tầng này thì cũng đã được cập nhật vào quy hoạch 1259 mà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Kết luận là gây quá tải cái này chúng tôi nghĩ cũng chưa hoàn toàn thoả đáng".
Đại diện Sở này cũng khẳng định việc định hướng cao tầng cũng đã được cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011. Đến năm 2015, quy hoạch phân khu đô thị được duyệt cho phép xây dựng nhà ở chức năng hỗn hợp với tầng cao 30, 35 và cao nhất là 45 tầng dọc tuyến này.
Thế nhưng, giới kiến trúc sư và những người có trách nhiệm thời đó lại có cái nhìn ngược lại.
KTS. Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho hay: "Cái cơ chế lúc đấy rất khó khăn trong việc thảo luận, rất khó khăn về mặt thông tin. Bưng bít rồi thì giấu, rồi thì chỉ một nhóm người có thể quyết định được. Trong khi họp ý thì đưa ra những phương án rất hay, thế nhưng mấy ngày hôm sau thì vài người có thể quyết định khác đi, ngược lại với cái lời cam kết với tập thể. Thì đấy là cái cơ chế cơ chế giám sát xã hội, cái bộ máy yếu kém, mà lúc đó chúng ta biết rằng là nhiều kiến trúc sư lên tiếng bảo vệ lẽ phải bảo vệ lợi ích xã hội cũng rất khó khăn, cũng nhiều cái đe doạ".
Có hay không tiêu cực và lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch tuyến đường? Đây sẽ là việc dành cho các cơ quan chức năng cùng xem xét, thanh kiểm tra.
Về quy trình thông thường khi xin cấp phép xây dựng với các chung cư cao tầng sẽ bắt buộc phải qua những bước nào, qua các cấp nào? Muốn điều chỉnh quy hoạch cần dựa trên điều kiện gì? Mức độ điều chỉnh thế nào thì địa phương được phép phê duyệt? Ở mức độ nào thì phải trình xin ý kiến cấp Bộ? Làm sao để hạn chế việc lồng cả lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong xây dựng, điều chỉnh quy hoạch?
Theo Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Phạm Quốc Tuyến, trong thời gian tới, để từng bước giải quyết tình trạng quá tải phương tiện tại các tuyến giao thông cửa ngõ, tuyến đường xuyên tâm trong đó có tuyến Lê Văn Lương, Sở QH – KT sẽ phối hợp với Sở GTVT báo cáo TP.Hà Nội để đầu tư xây dựng các tuyến đường tại các vị trí quan trọng. Cùng với đó, xem xét lại việc phân bổ lại dân cư cũng như bố trí, tổ chức lại giao thông khu vực này.
Bùi Hằng