0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 24/11/2021 13:40 (GMT+7)

Xây dựng cao tốc Bắc-Nam, các địa phương triển khai ra sao?

Sau khi được phê duyệt, dự án cao tốc Bắc-Nam đi vào hoạt động và luôn nhận được sự quan tâm của người dân. Sau khi được giao làm chủ đầu tư các dự án, các địa phương đã chuẩn bị điều kiện, nguồn lực ra sao để đảm bảo tiến độ?

Địa phương chủ động, sẵn sàng đảm bảo tiến độ thi công

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025, để hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ đề xuất đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước toàn bộ 12 dự án thành phần dài khoảng 729km, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng. Các địa phương có tuyến đường đi qua sẽ là chủ đầu tư dự án.

tm-img-alt
Dự án cao tốc Bắc-Nam đang được các địa phương đầu tư, triển khai để đảm bảo tiến độ.

Theo đó, việc giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP đã được pháp luật cho phép.

Đồng thời, việc phân cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc quy hoạch và phát triển không gian đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp hai bên đường cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Tùng, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, nếu được cấp thẩm quyền chấp thuận giao làm chủ đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Tĩnh sẽ thành lập ban chỉ đạo dự án do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban và có đầy đủ các sở, ban, ngành tham gia.

“Về kỹ thuật thi công, địa phương có thể đảm bảo vì cao tốc hiện nay mới chỉ có 4 làn đường, tính ra chưa khó khăn bằng nâng cấp mở rộng QL1. Tuy nhiên, nếu giao thì chúng tôi sẽ phải báo cáo UBND tỉnh xin bố trí thêm nhân lực. Cán bộ, kỹ sư của ban hiện chỉ làm các công trình quốc lộ, tỉnh lộ trong tỉnh… nếu được làm cao tốc thì phải lựa chọn một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp hơn”, ông Tùng cho biết thêm.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương giữ nguyên hiện trạng đất đã quy hoạch theo hướng tuyến thiết kế. Đồng thời, tỉnh cũng cấm việc mua bán, chuyển nhượng, xây dựng các công trình trên đất đã quy hoạch.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho biết, địa phương đã sẵn sàng để triển khai dự án cao tốc qua địa bàn. Vừa qua, tỉnh đã quy hoạch 19 mỏ đất, mỏ cát để phục vụ thi công cao tốc. Theo đó, địa phương sẽ thành lập hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất triển khai thi công. Sau này, nếu vướng ở đâu sẽ kiến nghị tiếp để xử lí nhằm đảm bảo tiến độ.

Học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đã triển khai

Thời gian qua một số địa phương được giao quản lí, triển khai đầu tư đường bộ cao tốc như: Quảng Ninh (dự án cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Vân Đồn-Móng Cái), Lạng Sơn (cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị), Tiền Giang (cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), Ninh Bình (dự án Cao Bồ - Mai Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông) đã chủ động, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng.

Cụ thể, Sở GTVT Ninh Bình cho biết, dự án cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn có tổng chiều dài 15,2 km đi qua 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 1.607 tỷ đồng được khởi công vào ngày 2/12/2019, hoàn thành tháng 12/2021.

Tương tự, ông Hoàng Quảng Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư cao tốc, cảng hàng không quốc tế theo hình thức đối tác công - tư.

Trong đó dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km, nhà đầu tư đầu tư cầu Bạch Đằng theo hình thức BOT dài 5,4km, ngân sách tỉnh đầu tư tuyến đường dài 19,8km; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài 59,6km, nhà đầu tư làm đoạn cao tốc dài 53km, ngân sách tỉnh đầu tư đoạn 6km.

Đối với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,2km được chia thành 2 dự án độc lập gồm: Dự án cao tốc Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư 9.113 tỷ đồng dài 63,26km; dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên có tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng có chiều dài 16,08km được đầu tư bằng ngân sách tỉnh Quảng Ninh.

Với sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, đến nay, tất cả vướng mắc liên quan đến việc thực hiện dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được tháo gỡ. Theo đó, tỉnh cũng đang đẩy mạnh thi công với quyết tâm cơ bản hoàn thành trong năm 2021.

Một số địa phương dù cho chưa từng thực hiện dự án có quy mô lớn, phức tạp như Tiền Giang cũng đã đạt được kết quả tốt trong việc triển khai xây dựng, thi công.

Ông Lê Văn Hưởng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, để đạt được kết quả trên, với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Tiền Giang thường xuyên giữ mối liên lạc với các Bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Bộ GTVT. Đến nay, dự án đạt 80%, sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2021.

“Với kinh nghiệm đã có, tới đây nếu Tiền Giang tiếp tục được giao làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền những dự án tiếp theo, tỉnh sẵn sàng tiếp nhận”, Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho hay.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng cao tốc Bắc-Nam, các địa phương triển khai ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới