WB: Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,8% trong năm 2022
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,8% trong năm 2022, cao hơn so với dự kiến tăng trưởng của Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Trong bản tin Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022, WB nhận định nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và U-crai-na, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Theo đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% so cùng kỳ năm 2021. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vọt từ 51,7 điểm trong tháng 4 lên 54,7 điểm trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của ngành này.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng này tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam trong tháng 5/2022, cao hơn khoảng 70% so với tháng 4/2022 và là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, tuy vẫn chưa bằng 16% con số ghi nhận trước đại dịch.
Về xuất nhập khẩu, sau 3 tháng tăng tốc, tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 25,2% (so cùng kỳ năm trước) vào tháng 4 xuống còn 18% trong tháng 5, trong khi tăng trưởng nhập khẩu tiếp tục đi ngang với tốc độ 14,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 5, và giảm so với tốc độ 16,5% vào tháng 4/2022.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cũng giảm tháng thứ 4 liên tiếp (vốn FDI đăng ký trong tháng 5 đạt 879 triệu USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 và thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân ghi nhận chuỗi 6 tháng tăng liên tiếp (vốn FDI thực hiện trong tháng 5 vẫn tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước).
Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, giúp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 16,9% (so cùng kỳ năm trước) trong khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm mạnh từ 1,73% tại thời điểm cuối tháng 4 xuống chỉ còn 0,33% vào cuối tháng 5, là dấu hiệu cho thấy thanh khoản đang dồi dào.
Cũng trong báo cáo, WB cho rằng Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước. Các chuyên gia cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.
Minh Anh