VNDirect: Rủi ro lạm phát đang tăng lên, gia tăng đáng kể từ tháng 3
VNDirect nhận định áp lực lạm phát có thể sẽ gia tăng đáng kể từ tháng 3. Tuy nhiên, công ty này tin tưởng rằng Chính phủ vẫn có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022.
Trong báo cáo mới đây, VNDirect cho biết xung đột Nga-Ukraine có tác động trực tiếp không lớn đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên những tác động gián tiếp đang tăng lên.
Cụ thể, do xuất khẩu sang Nga và Ukraine chỉ chiếm 1,1% tổng xuất khẩu của Việt Nam, và 2 quốc gia này cũng không phải là thị trường xuất khẩu chính cho bất kỳ sản phẩm nào của Việt Nam, nên cuộc xung đột ở Đông Âu có tác động trực tiếp không lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xung đột kéo dài, tác động gián tiếp đến thương mại của Việt Nam sẽ lớn hơn bởi nhu cầu từ EU và Mỹ sụt giảm do tăng trưởng kinh tế suy yếu. Bên cạnh đó, các dự án năng lượng của Nga tại Việt Nam tiếp tục bị đình trệ.
VNDirect nhận thấy rủi ro lạm phát đang tăng lên do tác động của xung đột Nga-Ukraine khi việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như than, thép, đồng, nhôm có thể tác động đến giá thành sản xuất của Việt Nam trong khi giá phân bón và nông sản (lúa mì, ngô) tăng cũng gây áp lực lên giá lương thực, thực phẩm trong nước.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay thông qua việc giảm thuế để kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu. Ngoài ra, Chính phủ có thể giảm giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, như điện, học phí, hoặc phí dịch vụ y tế để giảm áp lực lạm phát”, nhóm phân tích VNDirect lưu ý.
Từ đó, công ty này duy trì dự báo CPI bình quân năm 2022 ở mức 3,45%. Mặc dù rủi ro lạm phát gia tăng là hiện hữu, song NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt đến ít nhất là cuối quý 2/2022 để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
“Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP trong quý 1/2022 không đổi ở mức 5,5%, còn cả năm ở mức 7,5%”, báo cáo của VNDirect cho hay.
Ngoài ra, theo VNDirect, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine ít ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam do đầu tư trực tiếp từ Nga và Ukraine vào Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể chứng kiến sự thoái lui của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) trong ngắn hạn bởi các nhà đầu tư tài chính toàn cầu có xu hướng bán bớt các tài sản rủi ro để chuyển hướng sang các tài sản được coi là an toàn hơn như vàng hoặc đô la Mỹ do xung đột Nga-Ukraine.
Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, kỳ vọng lợi tức đồng đô la Mỹ tăng lên do lộ trình tăng lãi suất điều hành của FED cũng khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên để quay trở lại Mỹ.