‘Giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng’
Việc tăng giá xăng dầu là 1 yếu tố chính gây trở ngại trong điều hành giá và kiểm soát lạm phát, bởi xăng dầu là đầu vào chính của nhiều hàng hóa dịch vụ.
Việc tăng giá xăng dầu là một yếu tố chính gây trở ngại trong điều hành giá và kiểm soát lạm phát, bởi xăng dầu là đầu vào chính của nhiều hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực vận tải. Do vậy, giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng.
Áp lực từ xăng dầu tăng phi mã
Theo quyết định của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ ngày 1/3, mỗi lít xăng E5 RON92 có giá 26.070 đồng (tăng 540 đồng); xăng RON 95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng). Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng, gồm: dầu hỏa tăng 470 đồng, lên 19.970 đồng/lít; dầu diesel tăng 510 đồng, lên 21.310 đồng/lít và dầu mazut có giá bán 18.460 đồng/kg sau khi tăng 530 đồng/kg.
Tính từ thời điểm cuối tháng 12/2021 đến nay, xăng RON95 đã tăng 4.030 đồng/lít, xăng E5RON92 tăng 3.990 đồng/lít, dầu diesel tăng 3.980 đồng/lít, dầu hỏa tăng 3.650 đồng/lít và dầu mazut tăng 2.720 đồng/lít.
Giá xăng dầu vừa qua tăng liên tiếp theo giá xăng dầu thế giới, dự báo kỳ điều hành tới giá cả sẽ tiếp tục tăng mạnh và chưa có điểm dừng. Giá xăng dầu tăng mạnh liên tiếp đã kéo theo giá các mặt hàng có đầu vào là xăng dầu tăng theo và nguy cơ lạm phát đang hiện hữu.
Phát biểu tại diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Kiểm soát lạm phát- Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm, Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: “Hiện chúng ta còn rất nhiều dư địa để giảm giá xăng dầu, trong đó cần sử dụng công cụ khác để điều tiết mức tăng sao cho phù hợp, hợp lý mà vẫn đảm bảo sự tăng giá của xăng dầu nhưng không tăng giá quá cao so với xăng dầu thế giới”.
Với nhóm lĩnh vực logistics, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta chia sẻ: “Trong vận tải đường bộ, 40% cước phí là chi phí nhiên liệu. Theo tính toán đến ngày 21/2, cơ cấu chi phí của doanh nghiệp đã tăng lên trên 18%, tức là cước vận tải bị đội lên trên 7%. Trong khi không thể thay đổi được giá của những hợp đồng ký kết trước đó và có thay đổi cũng không thể làm nhanh nên doanh nghiệp chấp nhận lỗ”.
“Điều lo lắng nhất hiện nay của chúng tôi là nếu chi phí đầu vào tiếp tục tăng thì dễ xảy ra lạm phát, sẽ tác động tới mọi cá nhân và doanh nghiệp, không chừa một ai”, ông Nghĩa thông tin.
Ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia, thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc tăng giá xăng dầu rõ ràng là một yếu tố chính gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát, bởi xăng dầu là đầu vào chính của nhiều hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực vận tải. Do vậy, giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng.
Mặt khác, vì giá dầu tăng quá nhanh nên đã che lấp những tác động tích cực của gói hỗ trợ phục hồi, đặc biệt là gói hỗ trợ giảm thuế VAT cho một số mặt hàng dịch vụ, giá dầu cũng là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm. "Theo tính toán của chúng tôi, lạm phát bình quân quý I/2022 so với năm 2021 có thể tăng trong khoảng 2-2,2%”, ông Khang nhận định.
Đáng chú ý, với những nhóm ngành vận tải và sử dụng các phương tiện vận tải, giá xăng đang khiến chi phí đầu vào đội thêm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu đang chênh lệch 8.000 đồng một lít. Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh cho biết, mỗi tháng công ty ông sử dụng khoảng 100.000 lít dầu cho xe vận tải. Với mức giá này, công ty đang gánh thêm khoảng 800 triệu đồng một tháng, chưa kể các chi phí nhiên liệu khác như săm, lốp và nhớt cũng leo thang 40% so với năm ngoái.
"Dầu, nhớt tăng khiến doanh nghiệp khổ rồi nhưng để có nhiên liệu này sử dụng chúng tôi còn khổ hơn. Năm ngoái, mỗi lần đặt mua đều được chiết khấu với giá 1.000 đồng thì nay dù mua với số lượng lớn vẫn phải trả tiền như giá mua lẻ", ông Vinh bộc bạch.
Doanh nghiệp kiến nghị tạm dừng thu thuế môi trường
Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu thương hiệu vận tải Sao Việt, áp lực giá xăng dầu tăng liên tục từ cuối năm ngoái và chưa có điểm dừng đang khiến doanh nghiệp của ông “không thở nổi”.
Với ngành vận tải, xăng dầu bình quân chiếm khoảng 35 - 40% tổng chi phí đầu vào nên việc giá dầu tăng chưa có điểm dừng từ cuối năm ngoái khiến doanh nghiệp lỗ nặng. Trong khi việc tăng giá cước dù được tính đến cũng chưa thể thực hiện được do lượng khách ít ỏi.
“Xe nằm đắp chiếu suốt thời gian dài vì dịch bệnh, nay vừa nhúc nhắc hoạt động lại thì giá xăng dầu liên tục tăng cao. Trong khi khách thì ngày có ngày không, chủ yếu chạy cầm chừng để giữ tuyến. Nếu không giảm giá xăng dầu, doanh nghiệp khó cầm cự được lâu. Không phải 500 hay 1.000 đồng mà nên tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường, khi doanh nghiệp khoẻ lại rồi tính tiếp”.
Ngoài ra, không chỉ thuế bảo vệ môi trường, cơ quan điều hành tới đây cũng nên tính toán giảm thêm sắc thuế khác để kéo giảm giá xăng.
Cùng quan điểm, dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP Đà Nẵng), nhìn nhận tình hình giá dầu thế giới leo thang có thể khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước vượt mọi kỷ lục cũ. Điều này gây ra nguy cơ lạm phát rất lớn trong năm 2022, khi mà mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh có nhu cầu sử dụng xăng dầu rất lớn để hồi phục sau giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng.
"Lúc này, Chính phủ cần gấp rút chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu cắt giảm triệt để các chi phí không cần thiết trong cơ cấu giá xăng dầu. Đồng thời, có chủ trương giảm thuế suất đối với tất cả các sắc thuế liên quan xăng dầu. Do việc giảm thuế về mặt nguyên tắc cần thông qua Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có thể thay mặt cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị một chính sách riêng trong bối cảnh cấp bách này, chẳng hạn rút gọn quy trình xin ý kiến và thông qua việc giảm thuế" - ông Phúc đề xuất.
Còn theo ý kiến của TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng góp ý nên sử dụng công cụ thuế một cách mạnh tay hơn nữa để góp phần giảm áp lực tăng giá xăng quá mạnh.
"Lúc này, nếu Chính phủ, Quốc hội không quyết liệt, mạnh mẽ sử dụng công cụ thuế trong điều hành giá xăng dầu thì doanh nghiệp sẽ không trụ nổi chứ đừng nói có thể hồi phục sau dịch Covid-19. Việc giảm thuế đến mức tối đa, tức đưa một số sắc thuế về 0%, có thể được thực hiện trong giai đoạn cấp bách này. Sau đó, khi thị trường ổn định hơn, có thể tăng thuế trở lại để bảo đảm nguồn thu ngân sách" - TS Sơn nêu ý kiến.
Ngoài ra, TS Sơn cho rằng nhất thiết phải tăng dự trữ xăng dầu phục vụ cho những giai đoạn thị trường biến động mạnh, thay vì chỉ chủ yếu phục vụ cho thiên tai, địch họa... Bởi thực tế, một biến động dù nhỏ trên thế giới gây ảnh hưởng đến cục diện địa chính trị cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu và khí đốt, trong khi các mặt hàng nhiên liệu này đóng vai trò tối cần thiết trong nhu cầu của bất cứ nền kinh tế nào.