0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 02/10/2023 11:30 (GMT+7)

Việt Nam với hành trình "xanh hóa" các dự án, công trình (Bài 1)

Xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng đang là xu hướng phát triển mà ngành xây dựng đang hướng tới. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, những năm qua, Việt Nam đang chuyển đổi xanh trong từng công trình, đã tạo được tiếng vang lớn.

Việt Nam với hành trình "xanh hóa" các dự án, công trình (Bài 1) - Ảnh 1

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ toàn cầu trong tháng 6/2023 cao hơn 0,5 độ C so với trung bình hàng năm, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó vào tháng 6/2019. Chưa dừng lại ở đó, WMO còn cảnh báo 5 năm tới là thời kỳ nóng nhất mà lịch sử con người từng ghi nhận.

Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Mực nước biển nước ta đã tăng 2,74mm/năm, số lượng bão lớn trên Biển Đông cũng có xu thế tăng. Ở các thành phố lớn, khói bụi, không khí ô nhiễm trở thành “nỗi ám ảnh” của người dân mỗi khi ra đường. Đặc biệt là hiệu ứng nhà kính từ các tòa nhà cao tầng khiến cuộc sống lại thêm phần ngột ngạt. Những buổi trưa nắng gắt 39, 40 độ cộng thêm sự phản chiếu từ kính của các tòa nhà bên đường càng khiến sự mệt mỏi tăng lên.

Một vài thống kê tại các quốc gia cũng chỉ ra rằng, ngành xây dựng đang chiếm khoảng 25% tổng mức tiêu thụ nước hàng năm, 80% tổng mức tiêu thụ điện năng hàng năm với 80% năng lượng tiêu thụ nằm ở quá trình vận hành công trình. Phát triển đô thị tại Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 30-35% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia, 60% vật liệu tự nhiên và 30 % nguồn nước sạch.

Đồng thời phát sinh khoảng 30% khí phát thải gây ra hiệu ứng nhà kính, và nước biển dâng. Chính vì thế sau một quãng thời gian đô thị hóa con người dần tìm cách quay về với thiên nhiên, với những thứ xưa kia vốn có. Điều đầu tiên mà người ta tìm kiếm chính là một ngôi nhà xanh, rợp bóng mát và mang đến cảm giác trong lành.

Không gian xanh trở thành “thước đo giàu có” của nhiều người Việt hiện nay, bởi với họ đó còn là sức khỏe, là trách nhiệm với môi trường, thiên nhiên. Và công trình xanh trở thành yếu tố tất yếu, xu thế xanh trở thành chìa khóa phát trong tương lai của ngành xây dựng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Việt Nam với hành trình "xanh hóa" các dự án, công trình (Bài 1) - Ảnh 2

Những năm 90 của thế kỷ trước, nhằm ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, phong trào Công trình xanh ra đời ở Mỹ, quê hương của những tòa nhà chọc trời. Sau đó nó lan rộng ra các nước phát triển, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên phải đến 2011, khi Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam cùng sự vận động của Hội Kiến trúc Sư Việt Nam, công trình xanh mới phát triển mạnh mẽ. Nó trở thành xu hướng kiến trúc tiến bộ, được đông đáo kiến trúc sư trong nước hưởng ứng, nhiều công trình mang tính biểu tượng “xanh” cũng ra đời.

Công trình xanh xuất hiện tại Việt Nam mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn của biến đổi khí hậu, khí thải nhà kính. Đầu tiên công trình xanh giúp ta giải được bài toán khó về đất nông nghiệp. Bởi lẽ, theo số liệu thống kê cho thấy, để có được 1 tỷ viên gạch nung ta sẽ phải mất 75ha đất nông nghiệp nhưng nếu dùng vật liệu “xanh” với khoảng 15-20 triệu tấn tro xỉ nhiệt điện được sử dụng thì ta đã tiết kiệm được 1.000 ha đất nông nghiệp.

Nền kinh tế nước ta vốn là nền kinh tế thuần nông nghiệp cũng là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại châu Á trong 20 năm quá (bình quân 7,5%). Sử dụng vật liệu tái chế có thể tận dụng hiệu quả được quỹ đất hiện có cho mục đích sản xuất, linh hoạt. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển kinh tế bền vững và song song với trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Công trình xanh sử dụng năng lượng sạch được dựa vào các tài nguyên vô tận như gió, ánh nắng,.... Trong khi sản lượng điện lũy kế 2 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam giảm 2,2% so với cùng kỳ thì việc sử dụng điện mặt mời, điện gió sẽ giúp mùa hè bớt nóng và quá tải hơn rất nhiều. Sự ưu việt của công trình xanh còn hiện ngay trên hóa đơn tiền điện, tiền nước mỗi tháng. Điều này với mỗi gia đình có thể không quá lớn nhưng gộp chung cả nước đó còn là “dự trữ” cho tương lai.

Quản lý Chương trình Công trình xanh Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), bà Nguyễn Thu Nhàn cho biết theo tính toán các công trình xanh còn tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20 - 40% chi phí vận hành mỗi tháng. Công trình xanh như giải pháp tổng thể giúp con người sử dụng tiết kiệm chi phí sinh hoạt mà vẫn bảo vệ môi trường.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Tiến sỹ Kinh tế Trần Khắc Tâm, Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, công trình xanh còn là cứu cánh trong việc giảm hiệu ứng nhà kính. Cảm giác nóng nực, khó chịu vào những ngày hè của người dân sẽ được giảm bớt phần nào. Hệ thống ống dẫn nước mưa, ngăn thu mưa dự phòng cũng góp phần rửa trôi đất trồng, giảm thiểu xói mòn bề mặt công trình.

Theo vị này, công trình xanh không chỉ có tác động to lớn tới môi trường mà còn xây dựng một cuộc sống xanh đúng nghĩa. Được sống trong ngôi nhà với nhiều cây xanh, sử dụng điện từ năng lượng mặt trời chắc chắn sẽ đem lại cho người dùng những tiện nghi vượt trội về sức khỏe. Tuổi thọ của người Việt cũng vì thế được tăng lên.

Việt Nam với hành trình "xanh hóa" các dự án, công trình (Bài 1) - Ảnh 3

“Rất vui mừng là nhiều năm qua, từ Chính phủ đến Bộ Xây dựng đã có nhiều động thái tích cực để phát triển công trình xanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng ý thức được việc phát triển các công trình xanh để vừa phục vụ nhu cầu của người dân và lớn lao hơn là góp phần bảo vệ môi trường. Và đặc biệt, xu hướng của người dân cũng là thích sống, làm việc trong không gian của các công trình xanh”, Tiến sỹ Kinh tế Trần Khắc Tâm bày tỏ.

Tổng quát, công trình xanh đem đến cho Việt Nam nhiều điểm tích cực ở mọi khía cạnh cuộc sống, kinh tế. Đơn cử như cải thiện chất lượng sống, nâng cao tuổi thọ và tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Nhìn xa hơn nó mà đóng góp vào chiếc lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng tới sự phát triển bền vững của cả nước

Ở Việt Nam, công trình xanh đã được Chính phủ quan tâm và đẩy mạnh qua các văn bản, nghị định ban hành như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, Chiến lược phát năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030,...

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3). Cụ thể đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này là 150 công trình.

Chính phủ cũng thành lập Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (ECC) để hỗ trợ, tư vấn tiết kiệm năng lượng cho các công trình xây mới và hiện mới. Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải ra môi trường. Mới đây nhất, Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã được phê duyệt nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Nghị định này đặt nhiều mục tiêu phát triển rộng rãi về vật liệu xanh và công trình xanh, cũng như giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn từ 2022 đến 2030, và tầm nhìn đến năm 2050.

Khoản 1, Điều 10, Luật Xây dựng 2014 nêu rõ “Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài được khuyến khích và tạo điều kiện nghiên cứu áp dụng khoa học và công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở xã hội, tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.”

Đây có thể coi như “lời khẳng định” khuyến khích công trình xanh của Chính Phủ. Công trình xanh chính là chiến lược “xanh hóa” ngành xây dựng, là trọng tâm trong Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam trong tương lai. Bởi lẽ loại hình xây dựng này không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế mà quan trọng đó còn là nỗ lực bảo vệ môi trường, giảm biến đổi khí hậu của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Việt Nam với hành trình "xanh hóa" các dự án, công trình (Bài 1) - Ảnh 4

Nhận thức của người dân thay đổi kéo theo sự thay đổi của chủ đầu tư, công ty thi công. Họ dần nhận ra nếu mình bỏ lỡ xu hướng xanh trong xây dựng sẽ bỏ lỡ thời cơ vàng để bứt phá. Tại Việt Nam điều này thể hiện rõ qua số liệu nghiên cứu năm 2012- 2015, số công trình xanh có sự tăng mạnh lên tới 60%.

Tính đến năm 2022, nước ta có khoảng 233 công trình, tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu m2 đạt các công nhận công trình xanh khác nhau như: LEED, EDGE, LOTUS, Green Mark.

Việt Nam với hành trình "xanh hóa" các dự án, công trình (Bài 1) - Ảnh 5

Tại sự kiện Tuần lễ Công trình xanh 2023, những con số mới về công trình tại đã được công bố. Tổ tài chính quốc tế IFC cho hay, đến hết quý I/2023, Việt Nam có 276 dự án đạt chứng nhận công trình xanh, tương đương với 6,763 triệu m2 sàn. Trong số đó có 37 dự án đạt Chứng nhận LOTUS tương đương 369 triệu m2 sàn, 91 dự án đạt Chứng nhận EDGE 3,463 triệu m2 sàn, 148 dự án đạt Chứng nhận LEED tương đương hơn 2,93 triệu m.

Việt Nam với hành trình "xanh hóa" các dự án, công trình (Bài 1) - Ảnh 6

Việt Nam hiện đứng thứ 28 trong số các nước có công trình xanh đạt chứng chỉ LEED. Đây có thể coi là một bước tiến lớn với Việt Nam so với thời kỳ đầu giai đoạn 2008-2010.

Con số này dù có khá khiêm tốn khi đứng cạnh người hàng xóm Singapore, vào năm 2005 đã cấp phép xác nhận 1.534 công trình xanh mới và 215 công trình xanh đã có từ trước. Nhưng nếu nhìn ở mặt tích cực, xuất phát điểm muộn hơn thì thành tựu về công trình xanh tại Việt Nam là rất đáng khen. Không chỉ vậy, với mỗi dự án được xây nên đều tạo được tiếng vang lớn, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội.

Việt Nam với hành trình "xanh hóa" các dự án, công trình (Bài 1) - Ảnh 7

Nói đến những công trình xanh được công nhận, đạt chứng chỉ xanh ta phải kể tới trường liên cấp Genesis tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Huyên, Tây Hồ, Hà Nội với chứng nhận LOTUS GOLD. Vật liệu được sử dụng là gạch không nung, kinh năng lượng thấp, cấu trùng tràn nevo và hệ thống phát điện năng lượng mặt trời 20kW, 85m2 mái xanh và thảm thực phẩn bao phủ 39.2m2. Thành quả đã tiết kiệm được 47,9% lượng nước, 47,9% lượng nước.

Trường Quốc tế Concordia tọa lạc trên khu đất rộng 17.000m2 tại Đông Anh (Hà Nội) đã nhận chứng nhận Bông Sen Vàng vào tháng 8/2019. Diện tích đầu tư xây dựng 8.090 mét vuông, chủ đầu tư đã áp dụng các biện pháp xanh hóa như lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời, đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong khu vực cứ nửa giờ một lần và cung cấp dịch vụ lọc thứ cấp và xử lý nước làm mát tại chỗ.

Trường Đại học FPT tọa lạc tại đường D1, Khu Công Nghệ Cao, Quận 9 được xem là một trong những công trình xanh bậc nhất Sài Thành. Đây cũng là dự án giành giải nhất Kiến trúc xanh Việt Nam và vinh danh tại Festival Kiến trúc thế giới. Tòa nhà NO2 và NO3 của Ecohome 3 là dự án nhà ở xã hội đầu tiên được IFC công nhận đạt Chứng chỉ Xanh EDGE.

Diamond LOTUS Riverside từng tạo ra cơn sốt về độ “xanh” và mới lạ giữa hàng nghìn công trình tại TP.HCM với mật độ xây dựng thấp nhất và mật độ cây xanh cao nhất. Công trình không chỉ xanh theo đúng mắt nhìn mà còn đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí CO2.

Trên đây chỉ là một trong những số ít dự án tại Việt Nam tạo được dấu ấn riêng, là lời khẳng định “Công trình xanh là tương lai”. Qua đó thấy rõ chủ đầu tư đang có động thái chuyển mình, chủ động và ưu tiên phát triển công trình xanh. Đại diện chính nhánh Tập đoàn Savills tại Hà Nội, bà Hoàng Nguyệt Minh cho biêt đến năm 2024, thị trường Hà Nội sẽ có thêm khoảng 6 dự án đạt chứng nhận xanh. Đáp ứng xu thế chung của thế giới, vật liệu thân thiện với môi trường, công trình tiết kiệm điện năng sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Công trình xanh có nhiều triển vọng và sẽ trở thành một trong những nội dung trọng tâm của định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược “xanh hóa” ngành Xây dựng. Sự “thay mình” của ngành xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và có trách nhiệm với môi trường.

Nội dung:Phạm Huyền

Đồ họa:Hải An

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam với hành trình "xanh hóa" các dự án, công trình (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

5 nhóm vấn đề mới của Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã có nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023