0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 09/10/2022 07:30 (GMT+7)

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1)

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng năng lượng cũng ngày càng tăng cao đang trở thành thách thức rất lớn trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí…

Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xem là "quốc sách" trong việc hướng đến sự phát triển bền vững ở hầu hết các quốc gia. Trên thế giới, nhiều đất nước coi trọng sử dụng năng lượng một cách hiệu quả còn hơn cả việc xây dựng thành công những dự án nhà máy điện mới. Từ lâu, việc sử dụng năng lượng hiệu quả đã trở thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Chương trình được ban hành thể hiện sự cam kết của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tiết kiệm năng lượng nói riêng, về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nói chung.

Để góp phần vào việc tuyên truyền sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài Giải pháp nào cho vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại Việt Nam. Tuyến bài sẽ đưa ra cái nhìn toàn cảnh về bức tranh phát triển, sử dụng năng lượng của Việt Nam trong những giai đoạn qua và dự báo về những giai đoạn kế tiếp. Qua đó, các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra những tham vấn, những mô hình, bài học về việc làm sao có thể sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1) - Ảnh 1

Năng lượng đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 đã thúc đẩy quá trình sản xuất và sử dụng năng lượng. Thế nhưng, quá trình công nghiệp hóa đã làm tăng nhu cầu năng lượng trên thế giới và cũng đang làm nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, không đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó, cần có chiến lược phát triển năng lượng dài hạn, trong đó cũng cần phải lựa chọn phương thức đúng đắn để có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững.

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1) - Ảnh 2

Theo số liệu công bố ngày 13/5/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 4/2022 đạt 22,62 tỷ kWh, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 85,65 tỷ kWh, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Trong tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống, thủy điện đạt 22,22 tỷ kWh, chiếm 25,9%; Nhiệt điện than đạt 39,09 tỷ kWh, chiếm 45,6%; Tua bin khí đạt 10,42 tỷ kWh, chiếm 12,2%; Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 13,15 tỷ kWh, chiếm 15,4% (điện mặt trời đạt 9,31 tỷ kWh, điện gió đạt 3,61 tỷ kWh); điện nhập khẩu đạt 536 triệu kWh, chiếm 0,6%.

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1) - Ảnh 3

Cũng theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tới năm 2045, Việt Nam sẽ còn có thêm 24 nhà máy nhiệt điện than, nâng công suất hiện nay lên 40.899 MW vào 2030 và khoảng 51.000 MW. Với lộ trình này kịch bản phát triển điện than này sẽ đưa nước ta trở thành 1 trong 6 quốc gia có kế hoạch phát triển điện than lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, với việc phát triển số lượng điện than này lại đang đi ngược lại cam kết quốc tế của Việt Nam tại COP26 khi mà vấn đề khí thải, nước thải và chất thải phát sinh từ hoạt động của nhà máy nhiệt điện than lại đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.

Vì vậy, trong thời gian qua cũng đã có không ít ý kiến từ các Bộ, ngành cũng như giới chuyên gia đề xuất loại bỏ điện than trong Quy hoạch điện VIII, hướng đến các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo Chiến lược quốc gia về chống biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 theo Quyết định 896/QĐ-TTg.

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1) - Ảnh 4

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản báo cáo Thường trực Chính phủ về các nội dung của Quy hoạch điện VIII, trong đó, Bộ xin ý kiến Thường trực Chính phủ không đưa vào quy hoạch 14.120 MW. Bộ Công Thương cho biết, phương án phát triển nguồn điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII sau rà soát là giảm tối đa điện than, từ 25-31% vào năm 2030 về còn xấp xỉ 10% năm 2045.

Ngoài ra, dự án điện than mới sẽ không được phát triển sau năm 2030 và xem xét chuyển một số dự án dùng nhiên liệu than sang sử dụng LNG và phát triển điện khí LNG ở quy mô phù hợp. Việc này được Bộ Công Thương nhấn mạnh là để đạt mục tiêu cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 về trung hoà carbon vào năm 2050.

Sau rà soát lại các dự án điện than, Bộ Công Thương đề xuất Quy hoạch điện VIII loại bỏ 14.120 MW nhiệt điện than và thay thế công suất điện than bằng 12.000-15.000 MW điện năng lượng tái tạo và khoảng 14.000 MW điện khí LNG - nguồn điện nền được coi là sạch hơn. Do đó, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045.

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1) - Ảnh 5

Dù điện than và nguồn tài nguồn tài nguyên năng sơ cấp (NLSC) lượng của Việt Nam khá phong phú, đa dạng (thủy điện, than, dầu khí, gió, mặt trời…) nhưng qua thực tế phát triển đất nước, Việt Nam đã phải chuyển từ trạng thái xuất khẩu ròng năng lượng sang nhập khẩu vào năm 2015 và xu hướng này ngày càng tăng. Thực trạng tiêu thụ năng lượng Việt Nam thời gian qua cũng đang có xu hướng tăng nhanh. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam tiêu thụ NLSC 4,32 EJ, tăng 2,6% so với năm 2020 và chiếm 0,7% tổng tiêu thụ NLSC toàn cầu. Trong giai đoạn từ 2011 - 2021 có tốc độ tiêu thụ NLSC tăng bình quân 7,2%/năm, vào loại cao trên thế giới.

Trong cơ cấu tiêu thụ NLSC năm 2021 của Việt Nam than chiếm 49,77%; dầu 21,76%; thủy điện 16,44%; NLTT 6,25%; khí đốt 6,02%. Như vậy, than chiếm tỷ trọng cao nhất, còn NLTT nếu cộng cả thủy điện thì có tỷ trọng chiếm 22,69%, vào loại tương đối cao trên thế giới.

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1) - Ảnh 6

Tiêu thụ NLSC bình quân đầu người năm 2021 tăng 1,8% so với năm 2020 và bằng 1,82 lần năm 2011, đưa đến tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2021 là 6,2%/năm. Tuy nhiên, mức tiêu thụ NLSC bình quân đầu người của Việt Nam còn rất thấp, chỉ bằng 58,21% của thế giới; bằng 26,21% của OECD; 32,60% của EU và rất thấp so với của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới (chẳng hạn bằng 20,88% của Đài Loan; 60,28% của Thái Lan; 17,96% của Nam Triều Tiên; 6,98% của Singapore; 26,72% của New Zealand; 34,46% của Malaysia; 31,25% của Nhật Bản; 40,33% của Trung Quốc; 19,81% của Úc, v.v...).

Là nước đang phát triển có mức thu nhập vào loại trung bình thấp cho nên nhu cầu tiêu thụ NLSC cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn tới ngày càng tăng cao. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội. Các văn bản Luật, Nghị Quyết, thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán về của Đảng, Nhà nước và Chính phủ vai trò quan trọng mang tính chiến lược của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1) - Ảnh 7

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được triển khai trong giai đoạn 2006-2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) cũng đã đặt ra mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1) - Ảnh 8

Nhận thức những tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển đất nước, trong những năm qua, phát triển ngành năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc quan tâm. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam đã ghi nhận sự chuyển dịch năng lượng của với bước phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Theo đó, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt khoảng 6.000 MW, trong đó có khoảng 6.364 MWp điện mặt trời (tương ứng khoảng 5.290 MW), khoảng 500 MW điện gió và 325 MW công suất điện sinh khối.

Tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất của hệ thống điện. Sản lượng điện năng cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng dần, nếu năm 2016 mới chỉ đạt 320 triệu kWh, chiếm khoảng 0,41% toàn hệ thống thì đến năm 2020 đã tăng lên khoảng 8 tỷ kWh, chiếm 2,53% toàn hệ thống. Đặc biệt từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió.

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1) - Ảnh 9

Các chuyên gia về năng lượng cũng nhận định, Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới như: Phát triển điện mặt trời nổi trên các công trình thủy điện; phát triển điện gió ngoài khơi gắn với phát triển hydro; giải pháp về tích trữ năng lượng, hay phân tán điện mặt trời… Để phát huy hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo theo hướng tới tăng xanh và phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế, theo đó đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; mục tiêu đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Đến năm 2030, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021-2030 giảm từ 1,0-1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%. Đến năm 2050, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân mỗi giai đoạn (10 năm) giảm 1,0%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 25-30%.

Tại Nghị quyết 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Chính trị ban hành cũng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Mục tiêu cụ thể Nghị quyết là năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320-350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỉ KWh.

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1) - Ảnh 10

Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105-115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160-190 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 420-460 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 375-410 kgOE/1.000 USD GDP. Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045… Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030 lên mức 20% vào năm 2045; Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn.

Ngoài ra, trên tinh thần của Nghị quyết 55, Chính phủ lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng. Thực hiện sửa đổi Luật Dầu khí và hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn nữa cơ chế thị trường; nghiên cứu, thực hiện luật hoá việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng...

Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1) - Ảnh 11

Dự thảo Đề án quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương trình lên Thủ tướng cũng đã dành ưu tiên cao cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển các dự án điện khí hóa lỏng LNG và từng bước giảm dần việc phát triển các nhà máy sử dụng than trên toàn quốc.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển và các Bộ, ban, ngành tìm kiếm thêm nhiều gói tín dụng hỗ trợ phát triển các dự án truyền tải năng lượng trọng điểm. Bộ cũng thúc đẩy xã hội hóa lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn với nhiều hình thức khác nhau bên cạnh nguồn vốn vay ODA.

Việt Nam cũng cần phải phát triển ngành năng lượng gắn liền với phát triển kinh tế, để các ngành kinh tế nhận thức được giới hạn của ngành năng lượng, từ đó xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển phù hợp. Khi toàn bộ nền kinh tế không còn sức ép lên ngành năng lượng, mới có khả năng bảo đảm được an ninh năng lượng quốc gia.

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Chương trình triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chương trình được ban hành thể hiện sự cam kết của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tiết kiệm năng lượng nói riêng, về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nói chung.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 được thực hiện thành 2 giai đoạn từ 2019 - 2025 và 2026 – 2030 với các nhiệm vụ chủ yếu: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ); Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về SDNL TK&HQ đối với các hoạt động như sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất,…; Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và SDNL TK&HQ; Tăng cường năng lực về SDNL TK&HQ; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về SDNL TK&HQ.

Nội Dung:Phạm Giang

Thiết Kế:Thế Hiệp

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới