Tín hiệu tích cực trong huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tăng 9,1% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022...
Vốn đầu tư từ nguồn NSNN tăng 9,1% so với cùng kỳ
Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022. Theo báo cáo, trong tháng 4, các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN).
Theo đó, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tăng 9,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất của 4 tháng các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2022 ước đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 109,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch năm và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 20% và tăng 18,4%).
Cụ thể: Vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 18,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,1% kế hoạch năm và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 91,2 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2% và tăng 8%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,81 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
- Vốn đăng ký cấp mới có 454 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,7 tỷ USD, tăng 0,7% về số dự án và giảm 56,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
- Vốn đăng ký điều chỉnh có 323 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,85 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,77 tỷ USD, chiếm 19,7%; các ngành còn lại đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 15,2%.
- Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.026 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,82 tỷ USD, tăng 74,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 429 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 899 triệu USD và 597 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 928,4 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2022 có 34 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 285,8 triệu USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 41,9 triệu USD, giảm 89,6%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 327,7 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệu quả các dự án đầu tư vào năng lượng
Chính phủ Việt Nam được đánh giá cao trong việc thiết lập các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng sạch và gần đây đã có nhiều bước tiến tạo đà thúc đẩy Việt Nam trở thành thị trường năng lượng tái tạo lớn nhất khu vực chỉ trong một vài năm. Các chính sách ưu đãi mạnh mẽ đã tạo động lực phát triển bùng nổ ngành năng lượng mặt trời, đồng thời thu hút nguồn đầu tư vào tiềm năng tài nguyên tái tạo dồi dào của đất nước.
Mới đây, Trungnam group và UBND tỉnh Sóc Trăng đã vừa ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện đầu tư một số dự án về năng lượng và công nghiệp tại địa phương này.
Được biết, trong năm 2021, Trungnam Group đã đồng loạt triển khai 3 dự án điện gió ở 3 tỉnh khác nhau trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là Nhà máy Điện gió Ea Nam tại Đắk Lắk, Đông Hải 1 tại Trà Vinh và Nhà máy điện gió số 5 tại Ninh Thuận. Nổi bật nhất là dự án điện gió Ea Nam tại Đắk Lắk với tổng vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng, quy mô công suất 400 MW. Hiện nay, cả 3 dự án điện gió này đều đã vận hành thương mại đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Với thành công này, Trungnam Group đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành năng lượng tái tạo Việt Nam với số lượng dự án đang bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhiều nhất cũng như là doanh nghiệp tư nhân có tổng công suất phát điện lên luới cao nhất hiện nay. Hiện, Trungnam Group tham gia 1,63GW điện năng, chiếm khoảng 6,6% trong tổng công suất lắp đặt nguồn điện tái tạo ở Việt Nam.
Trong những năm tới đây, để duy trì sức tăng trưởng bền vững của thị trường, Việt Nam phải giải quyết được những thách thức mới mang tính trọng yếu, bao gồm việc tích hợp thành công tỷ trọng cao hơn nguồn phát năng lượng tái tạo biến thiên; đa dạng hóa các nguồn vốn huy động; đảm bảo tiếp tục giảm chi phí tiệm cận với thị trường; vừa duy trì một môi trường đầu tư ổn định vừa quản lý quá trình chuyển đổi các chương trình hỗ trợ của chính phủ.
34 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới trong 4 tháng
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt trên 327,72 triệu USD, bằng 60% với cùng kỳ.
Có 34 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt trên 285,8 triệu USD, bằng 2 lần so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 do có 05 dự án lớn mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án Công ty cổ phần giải pháp năng lượng Vines sang Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan với tổng vốn đầu tư mỗi dự án trên 34,68 triệu USD.
Thống kê cho thấy, có 09 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm trên 41,9 triệu USD, bằng 10,4% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư điều chỉnh giảm mạnh do trong 4 tháng đầu năm 2021 có nhiều dự án lớn điều chỉnh tăng vốn: dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 01 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD (nếu không kể trường hợp giảm vốn hơn 30 triệu USD trong tháng 4/2021 thì riêng 3 trường hợp này đã chiếm tới 94,1% tổng vốn điều chỉnh của 4 tháng năm 2021).
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 11 ngành. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 8 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư trên 204,39 triệu USD, chiếm gần 62,4% tổng vốn đầu tư. Ngành khai khoáng đứng thứ hai với 01 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư 33,54 triệu USD, chiếm 10,2%; tiếp theo là các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ; thông tin truyền thông…
Có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022. Dẫn đầu là Lào với 01 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 64,51 triệu USD, chiếm 19,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Singapore với tổng vốn đầu tư trên 35,9 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan,…
Lũy kế đến ngày 20/4/2022, Việt Nam đã có 1.549 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 21,55 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,3%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,8%).
Trong các quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam, thì nhiều nhất vẫn là Lào (chiếm 24,8%); Campuchia (13,6%); Venezuela (8,5%).
Gần 11 tỷ USD vốn FDI 'rót' vào Việt Nam 4 tháng đầu năm
Thông tin mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng qua đạt hơn 10,8 tỷ USD.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vốn đăng ký mới giảm 56,3% nhưng vốn điều chỉnh và GVMCP tăng mạnh lần lượt là 92,5% và 74,5%.
Bốn tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã 'rót' vốn đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo đó, Bình Dương là địa phương dẫn đầu với tổng vốn các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký gần 2,35 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,57 tỷ USD. TP. Hồ Chí Minh vượt lên xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,28 tỷ USD.
Xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (39,9%); số lượt góp vốn, mua cổ phần (70,4%) và đứng thứ 2 về số lượt dự án điều chỉnh vốn (13,6%, sau Hà Nội là 16,1%).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,2 tỷ USD, chiếm 57,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 2,8 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.
Xét về số lượng các ngành thu hút dự án đầu tư mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất.
Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam 4 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ 2 với hơn 1,82 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư, tăng 53,9% so với cùng kỳ. Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,32 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư.
Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn, mua cổ phần nhất từ đầu năm đến nay.
Trong những năm tới đây, để duy trì sức tăng trưởng bền vững của thị trường, Việt Nam phải giải quyết được những thách thức mới mang tính trọng yếu, bao gồm việc tích hợp thành công tỷ trọng cao hơn nguồn phát năng lượng tái tạo biến thiên; đa dạng hóa các nguồn vốn huy động; đảm bảo tiếp tục giảm chi phí tiệm cận với thị trường; vừa duy trì một môi trường đầu tư ổn định vừa quản lý quá trình chuyển đổi các chương trình hỗ trợ của chính phủ.
Bùi Hằng