0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 31/08/2020 10:18 (GMT+7)

Thu hút FDI: Đúng nhưng chưa trúng

Sau hơn 30 năm nhìn lại, nhiều vấn đề mới lại đang nảy sinh, trong đó quan trọng nhất là làm sao để chọn “trúng” được những đầu tư có lợi nhất cho sự phát triển bền vững.

Việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987 là bước ngoặt lịch sử, tạo khuôn khổ pháp lý mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Thành quả là ngày hôm nay, doanh nghiệp FDI đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế, góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước. Nhưng sau hơn 30 năm nhìn lại, nhiều vấn đề mới lại đang nảy sinh, trong đó quan trọng nhất là làm sao để chọn “trúng” được những đầu tư có lợi nhất cho sự phát triển bền vững.

Còn “vơ bèo gạt tép”

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những hạn chế rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay là chưa khai thác được hết tiềm năng và thế mạnh của doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực nhà nước đang có chính sách thu hút, chưa tạo được sự phát triển lan tỏa ra các ngành. Nguyên nhân là vì mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp FDI thường chỉ đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao như: kinh doanh bất động sản, khai thác tài nguyên nhiên nhiên, gia công, lắp ráp sản phẩm sử dụng nhiều lao động.

Chỉ có 6% các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có công nghệ cao. (Ảnh minh họa). 

Theo số liệu thống kê, năm 2019, lượng vốn FDI đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỉ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ 2 là kinh doanh bất động sản với 3,88 tỉ USD, chiếm 10,2%.

Trong khi đó, một số lĩnh vực Việt Nam hiện đang áp dụng các chính sách ưu đãi cao để thu hút đầu tư như nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất phần mềm và năng lượng tái tạo thì còn rất hạn chế. Điển hình như vốn FDI vào nông nghiệp những năm qua rất ít ỏi, không vượt quá 1,5% tổng vốn đầu tư, thậm chí có năm chỉ đạt 0,4%. Cụ thể, năm 2014 vốn FDI vào nông nghiệp là 0,5%, năm 2015 là 1%, năm 2016 là 0,4% và 2017 là 1,1%.

Bên cạnh đó, sự chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI chưa như kỳ vọng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam là từ các nước châu Á, có công nghệ và kỹ thuật ở mức trung bình. Các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam thường có các nhà cung cấp truyền thống, rất ít các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện do doanh nghiệp FDI đưa ra. Có doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam phải nhập khẩu 95% nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Trong số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, 80% doanh nghiệp có công nghệ trung bình, 14% công nghệ thấp và lạc hậu, chỉ có 6% có công nghệ cao.

Mặt khác, theo ông Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (Kiểm toán nhà nước), tình trạng trục lợi từ chính sách ưu đãi thu hút FDI vẫn diễn ra. Do chính sách ưu đãi thuế có thời hạn, ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế có xu hướng thu hút các dự án đầu tư ngắn hạn, thay vì các dự án đầu tư dài hạn và sau khi hết kỳ hạn ưu đãi thuế, doanh nghiệp FDI có xu hướng thay đổi dự án đầu tư hiện tại thành dự án mới về mặt pháp lý, để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế.

Công nghệ lạc hậu và ý thức tuân thủ pháp luật chưa tốt của không ít nhà đầu tư nước ngoài đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Theo đó, ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ khu công nghiệp trong những năm gần đây là rất lớn, có khoảng 62% các khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hiệu quả không cao, dẫn đến 75% nước thải khu công nghiệp được thải ra môi trường với lượng ô nhiễm cao.

Điển hình là Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương được xem là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và dự án FDI lớn nhất cả nước, mặc dù tỉ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này khá cao, nhưng tình trạng vi phạm các qui định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra.

Nhiều doanh nghiệp dùng các thủ đoạn tương tự nhau là xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch, hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường. Veedan, Formusa Hà tĩnh, Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành - Đồng Nai… đã từng bị phát hiện các hành vi như vậy.

Thu hút có chọn lọc

Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút được các doanh nghiệp FDI, đồng thời tăng cường hiệu quả nguồn vốn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện chính sách về đất đai, chính sách thuế, chính sách thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là cần phải có “bộ lọc” để thu nạp những nguồn vốn FDI “sạch”, mang tính chất lâu bền từ doanh nghiệp có tầm, chứ không chạy theo FDI bằng mọi giá.

Cần có “bộ lọc” để thu nạp những nguồn vốn FDI “sạch” từ doanh nghiệp có tầm chứ không chạy theo FDI bằng mọi giá. (Ảnh minh họa). 

Theo ông Ngô Minh Kiểm, điều quan trọng nhất là khi thẩm định đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại. Do đó, cần chú ý khâu thẩm tra, chấp thuận đầu tư, xem xét kỹ các yếu tố công nghệ, môi trường, quốc phòng an ninh, đặc biệt lưu ý phải sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai.

“Kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, nâng khống giá trị máy móc thiết bị; đẩy mạnh kiểm toán tổng mức đầu tư, định giá tài sản hình thành sau đầu tư, giám định độc lập về giá, chất lượng máy móc, thiết bị, thẩm định giá công nghệ; ngăn ngừa, xử lý các vi phạm về môi trường...” – ông Ngô Minh Kiểm.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu thu hút công nghệ hiện đại cần phải xây dựng một chiến lược thu hút công nghệ hữu hiệu. Chiến lược này phải chỉ ra được lộ trình dài hạn cho việc thu hút công nghệ nước ngoài với các biện pháp và công cụ khác nhau, đặc biệt là việc xây dựng các chính sách thu hút công nghệ hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cần hình thành các khu công nghệ cao, công nghệ sạch ở những vùng thích hợp trong nước với hệ thống quy chế rõ ràng, tạo điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Về chính sách đất đai, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai phục vụ cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc tiếp tục ban hành các văn bản dưới luật cụ thể hoá 3 quyền của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về đất đai là quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê và quyền thế chấp. Đẩy mạnh hoạt động quy hoạch đất đai dành cho đầu tư nước ngoài trước hết ở các thành phố lớn và các vùng kinh tế động lực, tiếp theo là các tỉnh trong cả nước; có chính sách xử lý đối với các nhà đầu tư ôm đất nhưng không triển khai dự án.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá, bảo đảm minh bạch, công bằng tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước; quy định rõ hình thức bị coi là vi phạm về chuyển giá; cơ quan thuế cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, giá cả các loại hàng hóa của doanh nghiệp làm cơ sở so sánh; xây dựng phương pháp xác định thống nhất tạo điều kiện cho các công ty áp dụng thuận lợi; cần quy định chế tài xử lý thích đáng với các hành vi vi phạm...

Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thuế, giải quyết những vấn đề bất cập để giải quyết nhanh vấn đề thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài, việc chuyển lợi nhuận về nước thuận tiện, vấn đề góp vốn được thuận lợi dễ dàng; các vấn đề còn vướng mắc về khấu trừ thuế, tính thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, quy định về hóa đơn điện tử thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Để giảm thiểu các doanh nghiệp FDI bỏ trốn như nhiều trường hợp vừa qua, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, sàng lọc phân loại các dự án, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, chậm nộp thuế để đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt. Đồng thời, trước khi cấp phép, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ về công nghệ, năng lực, quy trình hoạt động ở nước ngoài của các nhà đầu tư không cấp phép ồ ạt tránh việc gây hậu quả về sau.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Thu hút FDI: Đúng nhưng chưa trúng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới