Thị trường trái phiếu năm 2022 ra sao trước loạt hành lang pháp lý mới?
Trước những thay đổi của chính sách mới, rủi ro tiềm ẩn từ điểm rơi đáo hạn của trái phiếu là quả bom nổ chậm của thị trường. Trong đó, các ngân hàng đang là những nhà đầu tư lớn nhất đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.
Rủi ro đáo hạn – nguy cơ tiềm ẩn
Năm 2021 được đánh giá là năm bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đặc biệt là ở nhóm doanh nghiệp bất động sản.
11 tháng đầu năm, tổng giá trị huy động trong nước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt 6% so với con số của cả năm 2020. Khoảng gần một nửa trái phiếu được phát hành không có tài sản đảm bảo (TSĐB).
Theo đó, nhóm bất động sản đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.160 tỷ đồng, bằng 119% cả năm 2020. Trong đó có khoảng 30% giá trị trái phiếu phát hành không có TSĐB hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Dù tỷ lệ trái phiếu có TSĐB ở mức cao song thực tế chất lượng TSĐB chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc rất nhạy cảm với diễn biến thị trường.
Đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiế.
Bên cạnh đó, việc sử dụng TSĐB chồng chéo giữa các khoản vay khác nhau cũng là một rủi ro rất lớn với nhà đầu tư.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu thậm chí nhiều lần đưa ra cảnh báo tới nhà đầu tư khi tham gia thị trường TPDN.
Được biết, Apec Group, VsetGroup cùng CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) là những cái tên đầu tiên bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước “tuýt còi" vì phát hành trái phiếu sai quy định.
Trái phiếu doanh nghiệp – Quả bom nổ chậm
Bên cạnh những rủi ro hiện hữu ở thị trường trái phiếu mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy thì còn một yếu tố tiềm ẩn mà ít nhà đầu tư nhận ra là rủi ro từ điểm rơi đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trước những thay đổi chính sách mới.
Theo thông tin thu thập được từ của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP FiinGroup cho biết tính tới cuối tháng 11/2021, trong tổng số 1,13 triệu tỷ đồng dư nợ TPDN đang lưu hành thì 40,7% giá trị trái phiếu lưu hành sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2022 - 2023. Trong đó điểm rơi đáo hạn lớn nhất sẽ diễn ra vào năm 2023 (302.900 tỷ đồng, chiếm 26,8%) và sau đó 281.700 tỷ vào năm 2024.
Tính riêng trái phiếu của doanh nghiệp phi tài chính (không tính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công ty tài chính) hiện quy mô 780.000 tỷ đồng (chiếm 68,9% giá trị lưu hành) thì phân kỳ trả nợ là 14,5% vào năm 2022; 28,9% vào năm 2023; và 22,8% vào 2024.
TS Đinh Thế Hiển còn đưa ra dự đoán, dường như ngân hàng đang dịch chuyển kỳ hạn trả nợ. Một câu hỏi được ông Hiển đặt ra là tại sao ngân hàng lại bỏ nhiều tiền vào mua TPDN với quy mô lớn đặc biệt là ở lĩnh vực bất động sản trong khi ngân hàng lại đang cần vốn và bắt đầu tăng lãi suất huy động.
Trước những biến tướng của thị trường TPDN, sự ra đời của Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 15/1/2022) nhằm siết nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng chảy vào bất động sản, được các chuyên gia đánh giá cao trong việc điều tiết, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia.
Trong cuộc họp gần đây nhất, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh rằng riêng một số lĩnh vực rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh như trái phiếu doanh nghiệp, năm tới sẽ không đẩy mạnh, thậm chí sẽ tiến hành thanh kiểm tra những doanh nghiệp phát hành chưa đảm bảo ngưỡng an toàn trong thời gian qua.
Mới đây, Bộ Tài Chính dự kiến phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ trong nước để huy động vốn cho ngân sách. Trong đó, phát hành trái phiếu chính phủ ngoại tệ sẽ là một trong các nguồn tài trợ của chương trình phục hồi.
Đồng thời, cho phép Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.
Theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025, dự kiến mức phát hành trái phiếu chính phủ là 500.000 tỷ đồng/năm, chưa tính đến lượng trái phiếu chính phủ phát hành để thực hiện Chương trình phục hồi.
Đồng thời, NHNN cần theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ để sẵn sàng bán can thiệp khi thị trường và tỷ giá có biến động để bình ổn tâm lý thị trường trong trường hợp Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ ngoại tệ trong nước. Mức trái phiếu ngoại tệ dự kiến phát hành khoảng 3 tỷ USD.