Thị trường chứng khoán toàn cầu rực lửa vì 'quả bom nợ' Evergrande
Việc công ty bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc đối mặt với nguy cơ sụp đổ trong khi đang gánh khoản nợ 300 tỉ USD đã khiến chứng khoán toàn cầu lao dốc vào ngày 20.9.
Chứng khoán toàn cầu đã tụt dốc vào ngày 20.9 vì lo ngại gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande vỡ nợ. Giá năng lượng tăng vọt và vấn đề nâng trần nợ của Mỹ đang bế tắc ở quốc hội cũng khiến các nhà đầu tư rơi vào tình trạng báo động đỏ, AFP đưa tin.
Việc tập đoàn địa ốc khổng lồ này bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ đã gây ra một cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán Hong Kong, Trung Quốc, lan rộng ra cả Mỹ và châu Âu ngay trong phiên giao dịch đầu tuần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,3% khi cổ phiếu Evergrande giảm 14%, ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Riêng chỉ số bất động sản của Hang Seng giảm tới 6,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.
Tại châu Âu, chỉ số Euro Stoxx 600 giảm gần 2%. Chỉ số FTSE 100 của London cũng sụt 1% trước làn sóng bán tháo do lo ngại sự suy thoái của Trung Quốc sẽ làm thâm hụt giá hàng hóa.
Được biết, phố Wall là nơi thể hiện rõ sự ảnh hưởng từ quả bom nợ Evergrande. Chỉ số Nasdaq Composite đã giảm hơn 2%. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones cũng lần lượt mất 1,7% và 1,8%.
Khủng hoảng của Evergrande cũng khiến chỉ số DAX blue-chip tại Đức giảm 2,3% vào ngày đầu tiên mở rộng từ 30 lên 40 công ty. Các chỉ số chứng khoán trên thị trường London (Anh) mất 0,9% và Paris (Pháp) giảm 1,7%.
Các tài sản rủi ro khác cũng giảm giá mạnh. Giá trị đồng tiền ảo lớn nhất thế giới Bitcoin mất 10%, xuống dưới 43.000 USD. Giá quặng sắt giảm xuống dưới 100 USD/tấn, giá đồng giảm 2%... Chỉ riêng giá vàng tăng 0,7%, lên 1.764 USD.
Chứng khoán châu Á được dự báo sẽ tiếp tục giảm điểm trong phiên hôm nay (21/9), Nikkei 225 tương lai giảm 1%, S&P/ASX 200 tương lai giảm 1,4% và Hang Seng tương lai giảm 1,6%.
Cổ phiếu của Evergrande đã bốc hơi gần 19% trong thời gian ngắn trước khi kết thúc ở mức giảm 10%. Điều này đã gây ra tổn thất tương tự cho các công ty bất động sản Hồng Kông như Henderson Land và New World Development. Chỉ số Bất động sản Hang Seng giảm hơn 6%, mức thấp nhất kể từ tháng 5.2020.
Bất chấp khủng hoảng ngày càng gia tăng, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa vào cuộc để ngăn Evergrande sụp đổ.
Ngoài nỗi lo Evergrande sụp đổ, chứng khoán còn tuột dốc vì việc nâng mức trần nợ công của Mỹ đang gặp bế tắc. Đảng Cộng hòa đã tuyên bố không ủng hộ việc nâng mức trần nợ, có thể giúp trang trải những khoản chi tiêu chính phủ được các nghị sĩ chấp thuận. Không nâng trần nợ công có thể dẫn đến việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa.
Được biết, tập đoàn Evergrande hiện đang sở hữu 1.300 dự án bất động sản tại 280 thành phố tại Trung Quốc. Ngoài ra, Evergrande còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như ô tô điện, dịch vụ y tế, tiêu dùng và lĩnh vực liên quan tới giải trí, truyền hình.
Doanh nghiệp này mô tả có 200.000 nhân viên và tạo ra 3,8 triệu việc làm mỗi năm. Chính bởi múc độ bao phủ lớn của mình, việc Evergrande sụp đổ sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn.
Nhiều chuyên gia kinh tế so sánh sự sụp đổ của Evergrande với vụ đổ vỡ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ do khủng hoảng nợ dưới chuẩn, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.