Thị trường bất động sản sẽ phục hồi mạnh mẽ về cuối năm
Trong quý I, II/2020 vừa qua tỷ lệ hấp thụ sản phẩm được bán tại thị trường Hà Nội chỉ ở mức lần lượt là 15,5%, 20,6%, nhưng đến quý III, tỷ lệ này đã tăng lên 35,1%.
Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa có báo cáo tổng kết tình hình giao dịch thị trường quý III/2020 và 9 tháng đầu năm 2020 diễn ra chiều 5/10.
Theo ghi nhận của VARS, quý III/2020, cả nước có 73.933 sản phẩm bất động sản nhà ở được bán trên toàn thị trường (gồm 46.773 căn hộ chung cư và 27.160 sản phẩm thấp tầng).
Trong đó, đối với tỷ lệ giao dịch thì toàn thị trường đạt 26.299/73.933 sản phẩm, tương ứng tỷ lệ hấp thụ ở mức 35,5%, tăng khá mạnh so với con số 7.641 sản phẩm của quý I/2020 và 12.640 sản phẩm của quý II/2020.
Sản phẩm được chào bán chủ yếu là hàng tồn từ các quý trước (chiếm khoảng 70%). Tuy nhiên, so với quý trước, với 22.602 sản phẩm được chào bán mới, lượng cung chào bán mới quý III/2020 đã tăng 21% so với quý I/2020 và 23% so với quý II/2020.
Đối với 22.602 sản phẩm mới được chào bán trong quý III/2020, tỷ lệ giao dịch là 9.813/22/602 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 43,4%, cao hơn nhiều tăng khoảng 3,54 lần so với quý I/2020 và 1,43 lần so với quý II/2020.
Đây được xem là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đã có sự phục hồi đáng kể, tỷ lệ hấp thụ từ các sản phẩm mới tăng so với quý I/2020 và quý II/2020.
Còn về bất động sản nghỉ dưỡng, báo cáo của VARs cho hay, nhìn chung trong quý III/2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm condotel mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, thị trường condotel gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể. Theo thống kê có đến 2/3 các dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch.
Những khu vực dẫn đầu về thị trường condotel như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận,… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp
VARs cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường condotel. Thứ nhất, khung pháp lý cho loại hình condotel vẫn chưa thực sự rõ ràng. Thứ hai là ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thứ ba là vẫn còn đó những tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư bởi sự phá vỡ cam kết ở một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, VARs vẫn nhìn thấy điểm sáng của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong quý III/2020. Đó là dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Điển hình như tại các địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận,… Đặc biệt, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng ghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trên cả nước.
Nhận định chung về quý III/2020, VARs cho rằng, ảnh hưởng của 2 đợt dịch bệnh Covid - 19 là cực kì nghiêm trọng. Tác động tiêu cực và ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hệ thống của thị trường bất động sản Việt Nam. Trong đó nghiêm trọng nhất phải kể đến ngành bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, dù trong phần lớn thời gian của giai đoạn đầu năm, cả nước phải gồng mình chống dịch Covid-19 , phải giãn cách và ngừng các hoạt động kinh doanh nhưng thị trường hàng hóa bất động sản Việt Nam vẫn ghi nhận những chỉ số đáng kể. Càng về cuối năm, thị trường càng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Cũng theo VARs dự báo quý IV/2020, Việt Nam kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh Covid 19-19, kinh tế trong nước hồi phục, có tăng trưởng dương, lực cầu sẽ được tiếp sức để thị trường bất động sản nóng ấm, phục hồi trở lại.
Hơn nữa, nguồn hàng tại các dự án bất động sản do các doanh nghiệp triển khai, tiếp tục không có nhiều thay đổi, vẫn có tình trạng khan hiếm nguồn hàng mới tại các đô thị lớn. Tại các địa phương khác, nguồn hàng đưa ra thị trường chủ yếu nằm ở các dự án đã triển khai trước đó. Các dự án được phê duyệt mới sẽ được triển khai nhiều hơn, sau khi các địa phương ổn định bộ máy tổ chức sau Đại hội. Nhiều dự án đấu giá đất sẽ được triển khai tại các địa phương để tạo ngân sách đảm bảo sự đầu tư phát triển cho nhiệm kỳ mới.
Lượng giao dịch, tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa trong quý IV sẽ tăng so với quý III/2020. Hầu hết thị trường cả nước không có biến động về giá. VARs cho rằng, ở giai đoạn cuối năm, áp lực tăng nhu cầu đầu tư để hiệu quả sử dụng tiền tăng cao thay vì để trong ngân hàng suốt thời gian dài với lãi suất thấp.
Mặt khác, hiện tượng săn tìm đất đai trong dân ở những địa phương bị đồn thổi thông tin sẽ có chiều hướng gia tăng. Điều này vô tình tạo ra nhiều thị trường giao dịch không chính thống, không được kiểm soát. Đặc biệt là tạo bong bóng giá cả và thị trường ảo. VARs khuyến cáo, các địa phương cần hết sức lưu ý, đừng vì lợi ích nhỏ mà gây ra những hậu quả không nhỏ.
"Làn sóng đầu tư, mua sắm dịp cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản cả nước. Các địa phương, đặc biệt là các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản cần có chính sách kịp thời để thu hút và khai thác hiệu quả trong giai đoạn cuối năm này", báo cáo của VARs nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường