Thanh long Việt Nam được mệnh danh là "siêu thực phẩm" ở châu Âu, giá 260.000 đồng/quả
Nông sản từ châu Á, trong đó có thanh long được coi là "siêu thực phẩm" ở châu Âu. Tại Hà Lan, mua thanh long không dễ. Để đưa được thanh long vào nước này, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP, khoảng 150 tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Nông sản Việt được coi là "siêu thực phẩm" ở châu Âu
Tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 19 với chủ đề "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long" do Bộ NN&PTNT phối hợp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức sáng 6/1 vừa qua, ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy, đặc biệt tại Hà Lan.
Theo ông Nguyễn, việc mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa tại châu Âu. Hiện nay, giá thanh long ruột đỏ ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g và khoảng 400.000 đồng với quả 600g.
Thanh long bán tại các siêu thị châu Âu sẽ rơi vào khoảng 650.000/kg, trong khi đó giá bán thanh long tại các chợ dân sinh ở Hà Nội khoảng 25.000-30.000 đồng/kg. Với mức giá cao như vậy do chi phí vận chuyển cao do phải đi theo đường máy bay và phải qua rất nhiều khâu trung gian, thanh long mới đến được tay người tiêu dùng tại châu Âu.
Trong thời gian dịch COVID-19 xảy ra, các siêu thị Hà Lan đạt mức doanh thu tăng 150%. Chính vì vậy các đại lý xuất nhập khẩu và phân phối tại Hà Lan liên tục phải tìm nhà cung cấp, bởi họ không chỉ cung cấp cho 17,5 triệu dân Hà Lan mà còn cung cấp cho cả khu vực châu Âu.
Ngoài Việt Nam, Hà Lan còn nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc, Nam Phi, Ecuador và một số thị trường khác. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc BVTV. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn và tai không dài quá 1,5cm.
Giám đốc Công ty VIEC kiến nghị, cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đây. Nhằm nâng cao sức tiêu thụ thanh long, đại diện VIEC gợi ý doanh nghiệp cách xuất khẩu "dài hơi" sang châu Âu như sản phẩm thanh long sấy khô, sấy dẻo, chế biến thành tinh bột hoặc cấp đông hoàn toàn.
“Chuỗi cung ứng từ vườn trồng đến siêu thị qua có càng ít mắt xích sẽ càng dễ thành công và được đón nhận”, ông Nguyễn nhấn mạnh.
Tại Hà Lan, các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường cần tham gia nhiều hội chợ quốc tế, hoặc kết nối trực tiếp với các điểm thu mua.