0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 23/05/2021 19:41 (GMT+7)

Tại sao làm ăn 'bết bát', Xây dựng Hưng Phát vẫn hút 500 tỉ đồng trái phiếu?

Kết quả kinh doanh nghiều năm “bết bát”, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát huy động thành công 500 tỉ đồng thông qua kênh trái phiếu chỉ trong vòng 3 tháng.

Mới đây, thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát (Xây dựng Hưng Phát) đã phát hành thành công lô trái phiếu quy mô 250 tỉ đồng, phát hành ngày 8/2/2021.

Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng với lãi suất cố định 12%/năm với kỳ thanh toán 6 tháng/lần. 37 nhà đầu tư, gồm 1 tổ chức và 36 cá nhân đã mua toàn bộ số trái phiếu trên.

Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 337, tờ bản đồ số 74 thuộc phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM, diện tích 5181,7 m2 trị giá hơn 362,2 tỉ đồng do Công ty CP Thẩm định giá EXIM định giá.

Hồi tháng 1 mới đây, doanh nghiệp này cũng phát hành thành công lô trái phiếu có mã HPCH2021001, kỳ hạn 12 tháng với tổng giá trị 260 tỉ đồng.

Lô trái phiếu được Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại dự án Hưng Vượng Residences, tại xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; Phần vốn góp của chủ đầu tư tại dự án - Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Long Thượng Lộc;

Nguồn thu từ hợp đồng tổng thầu thi công dự án khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt và cam kết bảo lãnh thanh toán của Công ty Cổ phần Hưng Vượng Developer.

Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt - Venezia Beach Village (tên cũ: Lạc Việt Resort).

Đáng chú ý, Công ty này phát hành thành công đến 500 tỉ đồng trái phiếu trong khi tình hình kinh doanh kém tích cực kéo dài nhiều năm, từ 2016-2019.

Cụ thể, nếu như năm 2016, doanh thu chỉ đạt 213,8 tỉ đồng thì một năm sau đó, chỉ tiêu này đã tăng vọt lên mức 517,2 tỉ đồng, tức 2,4 lần.

Hai năm kế tiếp (2018-2019), nguồn thu của Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát liên tiếp sụt giảm xuống 405,4 tỉ đồng và 160,9 tỉ đồng, tương ứng 78,3% và 31,1% mức đỉnh năm 2017.

Tuy nhiên, lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp bán buôn kim loại này cũng không biến động theo doanh thu mang về. Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát gánh lỗ lần lượt 119,7 triệu đồng, 7,1 tỉ đồng, 5,1 tỉ đồng và chỉ lãi duy nhất 3,8 tỉ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2019, doanh nghiệp ôm khoản lỗ lũy kế gần 10 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2019, nguồn vốn (tổng tài sản) của doanh nghiệp liên tục nảy nở, bật tăng từ 194,2 tỉ đồng lên mức 739 tỉ đồng vào cuối chu kỳ, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 49,9 tỉ đồng (năm 2016) và 241,4 tỉ đồng (năm 2019). Điều này cho thấy doanh nghiệp khá dựa dẫm vào nguồn vốn chiếm dụng ngoài, với hệ số D/E (nợ/vốn chủ sở hữu) thường xuyên dao động ở mức 2-3 lần.

Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, ngày 7/9/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 2239/QĐ-UBND về việc đóng cửa mỏ khoáng sản đất san lấp tại điểm mỏ khu đồi Cao, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên của Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát.

Theo đó, doanh nghiệp này phải chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản có diện tích 12.355 m2 nêu trên. Đồng thời, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát phải thực hiện phục hồi môi trường khu vực đã khai thác theo dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt trước đó.

Là một trong những điểm khai thác khá trọng điểm, nhiều khả năng quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát trong năm 2020.

Được biết, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát hành lập vào tháng 5/1994. Hiện trụ sở chính đặt ở số 105 đường Thanh Niên, phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 250 tỉ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn kim loại và quặng kim loại (mã 4662). Đáng chú ý, thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã có một đợt "thay máu".

Cụ thể, từ tháng 8/2020, cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo của Công ty Hưng Phát có sự xáo trộn mạnh mẽ. Trong đó, ông Nguyễn Duy Dinh (SN 1979) không chỉ đảm nhận vai trò tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật từ ông Lê Quốc Kỳ Quang (SN 1980), mà còn tiếp nhận 51% vốn cổ phần từ tay ông Quang.

Cùng với đó, ông Nguyễn Hồng Phước (SN 1978), cổ đông lớn nắm giữ 49% cổ phần còn lại cũng thoái toàn bộ vốn cho ông Nguyễn Ngọc Thành (SN 1978) và bà Nguyễn Thu Thảo (SN 1990), với tỷ trọng lần lượt là 48,8% và 0,2%.

Hút 500 tỉ đồng trái phiếu sau khi cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo của Xây dựng Hưng Phát có sự xáo trộn mạnh mẽ. Giới đầu tư nhận định, rất có thể tiềm lực của các cổ đông mới chính là yếu tố uy tín, giúp Xây dựng Hưng Phát rẽ sóng vươn lên trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cam kết bảo lãnh thanh toán của Công ty Cổ phần Hưng Vượng Developer và quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 337, tờ bản đồ số 74 thuộc phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM cũng là những "cam kết đảm bảo", giúp việc huy động trái phiếu của Xây dựng Hưng Phát được diễn ra thuận lợi.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Tại sao làm ăn 'bết bát', Xây dựng Hưng Phát vẫn hút 500 tỉ đồng trái phiếu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới