0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 08/11/2021 14:45 (GMT+7)

RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các DN Việt Nam

RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các DN Việt Nam có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo trực tuyến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên, gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand; chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.

Tại hội thảo ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết việc thực thi RCEP sẽ tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử (TMĐT)..., từ đó tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.

"Hiệp định dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19. Do đó, RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các DN Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch" - ông Phòng nhìn nhận.

tm-img-alt
Ngành thủy sản có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ RCEP.

Theo các chuyên gia, với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, Hiệp định RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI, trong quá trình thực thi các FTA trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước nằm ngoài FTA nên không đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Nay, Trung Quốc và Hàn Quốc - 2 quốc gia cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho Việt Nam - đều nằm trong RCEP nên các vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan trở nên dễ dàng hơn.

Khuyến khích doanh nghiệp tận dụng

Theo dự tính, các nền kinh tế RCEP có quy mô 2,2 tỉ người - khoảng 30% dân số thế giới và là thị trường tạo ra 26.200 tỉ USD sản lượng toàn cầu - tương đương 30% của nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, các DN Việt Nam cần phải tận dụng tốt cơ hội này.

Mặc dù những lợi thế từ các FTA đã được chỉ ra nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, trên thực tế, không ít DN Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội do chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về cam kết. Do đó, các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường thông tin, huấn luyện cho DN về nội dung của các FTA, trong đó có RCEP, để DN nắm được việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, sau đại dịch có thể có sự dịch chuyển, thay đổi giữa các thị trường xuất nhập khẩu trên thế giới. "Với tốc độ hồi phục khá tốt của DN trong ngành cùng với nhiều FTA thế hệ mới đã ký kết, trong đó có RCEP, ngành da giày năm 2021 dự kiến về đích tương đương năm ngoái và có sự tăng trưởng mạnh vào năm 2022" - bà Xuân kỳ vọng.

Hiệp định RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. Thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm 55% tổng thương mại của Việt Nam năm 2020, trong đó, xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%.

Cùng với đó, đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các DN Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.