Phấn đấu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 từ 2,5- 3%
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đang rất quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong khoảng 2,5- 3%.
Phấn đấu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 từ 2,5- 3%. Ảnh VGP |
“Nếu hoàn thành mục tiêu, đây là một thành tích rất ấn tượng. Việt Nam sẽ là nước có nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất của ASEAN và nằm trong số ít các nền kinh tế tăng trưởng tốt ở châu Á”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét.
Với GDP quý III/2020 tăng 2,62%, Chính phủ đánh giá mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế” đã được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tốt. So với tốc độ tăng trưởng quý I đạt 3,68% và quý II đạt 0,39%, con số đạt được ở quý vừa qua là rất tích cực.
Trong phiên họp Chính phủ tháng 9, sáng 2/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Việt Nam đã vượt qua đáy chữ V và đang dần phục hồi.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao lạm phát được kiếm soát. CPI tháng 9/2020 chỉ tăng 0,12% so với tháng trước, thuộc mức tăng thấp nhất giai đoạn 2019-2020.
Ngoài ra, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên 21 tỷ USD. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN. Giải ngân đầu tư công cũng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với tổng mức thực hiện trên 300.000 tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch cả năm.
Điểm phục hồi ấn tượng của Việt Nam trong giai đoạn qua còn có vấn đề tài khoá. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng cuối tháng 9 vừa qua đã đạt 6,1%. Trong đó, riêng tháng 9, tín dụng đã tăng từ 4,3% lên mức 6,1%, tức tăng 1,8% chỉ trong một tháng.
“Trong tình trạng hết sức khó khăn do dịch COVID-19 gây ra hiện nay, có thể nói đây là con số cho thấy dấu hiệu rất tích cực trong việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp sản xuất và dịch vụ”, Phó Thống đốc nhận xét.
Về tình hình 3 tháng cuối năm, nếu như cả nước tiếp tục duy trì việc kiểm soát dịch bệnh tốt, cùng với các biện pháp hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tự tin, dư nợ tín dụng năm nay “có thể đạt từ 8% đến 10%, khoảng trên 9% là con số có khả thi”.
Ông Tú cho biết, để đạt điều đó thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm cả cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn. Nhưng có lẽ một trong những giải pháp quan trọng nhất chính là giảm lãi suất, giảm hồ sơ để thực hiện mục tiêu kể trên.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất cho vay, tổng mức giảm 3 lần khoảng 1,5-2%, tạo ra nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tổ chức cho vay với lãi suất thấp hơn dành cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng cùng với nhiều chính sách khác của Chính phủ, các bộ, ngành cũng tạo thuận lợi hơn trong hỗ trợ về tài chính, về thuế giúp các doanh nghiệp.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm