Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 có nhiều triển vọng
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá khá tốt triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm 2020.
Trong khi dòng FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020 theo dự báo của các nhà kinh tế trên thế giới do tác động của đại dịch, kết quả thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan. Tổng vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 15 tỷ USD, bằng 85% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng vốn đăng ký mới đạt 8,43 tỷ USD và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,72 tỷ USD, tăng tương ứng bằng 13,8% và 26,8% so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam đang đón những làn sóng đầu tư mạnh mẽ
"Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 60 tỷ USD vốn đầu tư", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện mạnh mẽ và được đánh giá cao. Cụ thể, theo Tạp chí US News & World Report xếp Việt Nam đứng thứ 8 trong tổng số 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Theo Ngân hàng Thế giới (tháng 10/2019), chỉ số Môi trường kinh doanh thuận lợi Việt Nam năm 2019-2020 xếp thứ 70/190 quốc gia.
Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ và hiện đại, nâng cấp thị trường và công cụ tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đất đai, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường năng lực của các doanh nghiệp trong nước để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đón nhận các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam.
Cụ thể như, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc đến Hải Phòng. Còn theo Nikkei, trong quý II-2020, Apple sẽ sản xuất 3-4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới.
Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị tiếp nhận việc sản xuất tủ lạnh và máy giặt từ Thái Lan vào đầu tháng 9-2020. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm