0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 07/11/2022 08:33 (GMT+7)

Phát triển kinh tế cho năm 2023, Việt Nam tập trung vào 3 động lực

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết có 3 nền tảng liên quan đến vĩ mô là tăng trưởng, chống lạm phát và việc làm để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Có 3 nền tảng liên quan đến vĩ mô

Tại phiên chất vấn Quốc hội khóa XV chiều 5/11, đại biểu Hoàng Văn Liên (đoàn Long An) đề nghị Thủ tướng cho biết bài học gì giúp cho phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch Covid-19? Và làm thế nào để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế cho năm 2023 và các năm tiếp theo?

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời đại biểu Hoàng Văn Liên cho biết, có 3 nền tảng liên quan đến vĩ mô là tăng trưởng, chống lạm phát và việc làm. Theo Thủ tướng, thời gian vừa qua chúng ta đã kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Việc kiên trì thực hiện cùng các giải pháp khác nhau, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu này.

Phát triển kinh tế cho năm 2023, Việt Nam tập trung vào 3 động lực - Ảnh 1
3 nền tảng liên quan đến vĩ mô là tăng trưởng, chống lạm phát và việc làm để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Cũng theo Thủ tướng, do nguồn vốn có hạn nên chúng ta tập trung vào 3 động lực tăng trưởng: Tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Thủ tướng cho biết: "Đây là những quan điểm và giải pháp lớn để chúng ta có được những thành quả như hiện nay".

Trình bày báo cáo trước đó, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2022, Thủ tướng cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Thu ngân sách nhà nước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD…

Thủ tướng nhấn mạnh: "Thời gian tới, Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu năm 2022 và tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2023".

Về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt. Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột.

470.000 tỷ đồng bố trí để phát triển hạ tầng giao thông

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng khiến nhiều đô thị ven biển của nước ta thường xuyên bị ngập mặn, gặp nạn khi mưa lớn, triều cường.

Đại biểu Nguyệt đề nghị Thủ tướng cho biết trong quy hoạch phát triển đô thị nước ta, xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, giao thông… đã cập nhật như thế nào, các kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và hướng giải quyết ra sao cho một quốc gia đất hẹp, người đông như nước ta?

Thủ tướng Chính phủ trả lời đại biểu Nguyệt cho rằng, nước ta là một trong những nước chịu biến đổi khí hậu rất lớn. Vì vậy, cần phải nhận thức, hành động tương xứng với những gì mà biến đổi khí hậu tác động, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực này không những bị sạt lở mà còn bị lún, nước biển dâng.

Theo Thủ tướng cho biết: "Vừa qua, Chính phủ đã đề nghị các bộ ngành khảo sát lại việc biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến đất nước ta, nhất là những vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc" , đồng thời Thủ tướng vấn đề cần xây dựng thể chế như việc chuyển đổi năng lượng cần xây dựng luật chuyển đổi này như thế nào.

Vấn đề đảm bảo các nguồn lực, theo Thủ tướng cũng rất quan trọng. Thời gian qua, chúng ta quan tâm, dành nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu. Không chỉ huy động nguồn lực của nhà nước, mà còn huy động nguồn lực theo phương thức đối tác công tư, đồng thời, tăng cường chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế; tăng cường quản trị, trong đó quan trọng là quản trị quốc gia.

Về nội dung chiến lược phát triển hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng, Thủ tướng cho hay, trong các phiên chất vấn, vấn đề hạ tầng đã được các bộ trưởng, trưởng ngành phân tích. Riêng về vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng nói nhiệm kỳ này đã dành 470.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông, gấp ba lần so với nhiệm kỳ trước (134.000 tỷ).

Cùng với đó, cần phải tăng cường hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông. Thủ tướng nói: "Chính phủ đang tổng kết vấn đề thực hiện BOT, nghiên cứu thêm về BT để xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để thực hiện. Có như vậy mới phát triển được hạ tầng giao thông và hạ tầng chiến lược nói chung".

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế cho năm 2023, Việt Nam tập trung vào 3 động lực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.