Kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng mạnh ở khu vực châu Á
Sau khi số liệu tăng trưởng kinh tế quý III của Việt Nam được công bố đạt mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, nhiều tổ chức tài chính đã điều chỉnh lại mức dự báo tăng trưởng kinh tế của cả năm nay lên trên 8% từ dự báo khoảng 7% trước đó.
Việt Nam đạt được mức tăng trưởng mạnh nhất ở khu vực châu Á trong quý III với sự phục hồi đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực bán lẻ.
Nhiều tổ chức quốc tế nhận định kết quả tích cực hiện nay kết hợp với việc đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là nền tảng giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu và giá năng lượng tăng cao, hầu hết các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế nước ngoài đều nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay và sang năm. Do vậy, Việt Nam được coi là "miền đất hứa" cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Với kết quả tăng trưởng ấn tượng trong quý III năm nay, Ngân hàng UOB đã nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam lên 8,2%, cao hơn đáng kể so với mức 7% được đưa ra trước đó. Còn đại điện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định kết quả mà Việt Nam đạt được là đáng ngưỡng mộ.
Theo đánh giá của bà Era Dabla-Norris - Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): "Chính phủ Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ trong năm nay dù chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19. Đó là ngay từ nửa đầu năm 2022, đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến nửa sau của năm, Chính phủ chuyển trọng tâm, tập trung hơn vào việc giảm áp lực lạm phát. Chính sách điều hành tỉ giá hối đoái đã được thực hiện hiệu quả, quản trị được sự giảm giá của VND theo cách giảm lạm phát nhập khẩu. Đây là một yếu tố rất quan trọng".
Trên nền tăng trưởng GDP cao của năm 2022, kinh tế Việt Nam trong năm sau, được dự báo sẽ vẫn rất tích cực. Việt Nam vẫn sẽ là nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á, có thể nói là một trong những điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế khá ảm đạm toàn cầu.
Cùng với đó, ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam nhận định: "Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, đặc biệt các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát có thể một số nền kinh tế chủ chốt sẽ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, Việt Nam có yếu tố tích cực về đầu tư, về tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục cái động lực tăng trưởng".
Còn ông Broook Taylor - Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ VinaCapital đánh giá: "Các yếu tố nền tảng dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn không thay đổi. Việt Nam vẫn là nền kinh tế mở với tiềm lực xuất khẩu mạnh mẽ, sức hấp dẫn rất lớn với dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu… Thêm vào đó, sức cầu nội địa cũng đang tăng lên. Theo tôi, Việt Nam đang chuyển mình trên con đường phát triển giống những nền kinh tế hàng đầu châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc".
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đáng chú ý được dự báo sẽ tích cực trong dài hạn. Mức tăng trưởng cao, bình quân trên 6%, rất có thể sẽ được duy trì liên tục trong 1, 2 thập kỷ tới.
Theo giới tài chính, hoạt động sản xuất, dịch vụ đã trở lại bình thường. Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu bứt tốc với mức tăng trưởng trên 17%, đem lại thặng dự thương mại 6,5 tỷ USD chỉ trong 9 tháng, cao hơn tới 35% so với thặng dư thương mại của cả năm 2021. Điều này sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế quý IV và mức cao vượt dự báo khoảng 8% cả năm nay được đánh giá là điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế ảm đạm toàn cầu.
Huyền Diệu