Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Techcombank đăng ký mua 200.000 cổ phiếu TCB
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) thông báo ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc ngân hàng đăng ký mua 200.000 cổ phiếu TCB
Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong thời gian từ 31/10 – 23/11/2022.
Hiện ông Sơn đang sở hữu 2,147 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 0,061% vốn ngân hàng. Nếu mua thành công số cổ phiếu đăng ký, Phó Tổng Giám đốc Techcombank sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ lên mức gần 0,067%, tương ứng 2,347 triệu đơn vị.
Trước đó, ông Sơn đã có hai lần bán ra cổ phiếu TCB trong tháng 3 và tháng 9 với tổng khối lượng 300.000 đơn vị.
Trong phiên giao dịch 27/10, cổ phiếu TCB tăng trần lên 22.850 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, ông Sơn cần chi ra khoảng 4,6 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Hoạt động mua cổ phiếu của lãnh đạo Techcombank diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu TCB liên tục lao dốc mạnh trong những tháng gần đây. Tính từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu này đã giảm hơn 40% và mất hơn một nửa giá trị so với cuối năm trước.
Vào hồi tháng 9, Techcombank đã chốt phương án phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương hơn 0,18% số cổ phiếu đang lưu hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, Trong đó 5,3 triệu cổ phần phát hành cho người lao động Việt Nam và 967.367 cổ phần phát hành cho người lao động nước ngoài.
Sau khi phát hành, mức vốn điều lệ sẽ tăng lên 35.172 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2022, ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Ngoài ra, cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngân hàng cũng đã công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Techcombank tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, thu được 20.8 ngàn tỷ đồng, thực hiện được 77% kế hoạch đề ra cho cả năm.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của Techcombank đạt 671.400 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trên báo cáo hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, đạt 222.000 tỷ đồng, chiếm 49% danh mục tín dụng của Ngân hàng.
Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng gần 23% so với cuối quý III/2021, đạt 70.700 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 12,5%, đạt 161.000 tỷ đồng, chiếm gần 36% dư nợ tín dụng. Tỷ trọng này giảm đáng kể so với mức 48,5% tại quý 3/2021 và mức 38% của quý II/2022.
Về nguồn vốn, tổng tiền gửi tại cuối tháng 9/2022 đạt gần 319.000 tỷ đồng, tăng 1,3% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn gần 171.000 tỷ đồng và số dư CASA đạt 148.000 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ CASA giảm nhẹ xuống 46,5% so với mức 47,5% cuối quý II/2022 phản ánh bối cảnh thanh khoản hệ thống bớt dồi dào khi Ngân hàng Nhà nước và chính phủ thực hiện một loạt biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá từ đầu năm đến nay.
Trong quý III/2022, mặc dù biên lãi thuần giảm nhưng Techcombank vẫn giữ vững lợi thế cạnh tranh tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức cao và khả năng sinh lời vượt trội từ phí.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) cao, tiếp tục ở vị thế đầu ngành, đạt 3,6%. Tỷ lệ an toàn (CAR) theo Basel II đạt 15,7%.
Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 30/09/2022 ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh 165%, phản ánh chất lượng tín dụng ổn định của ngân hàng.
Trong năm 2022, Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Như vậy, tính đến tháng 9/2022, ngân hàng này đã hoàn thành 78% kế hoạch lợi nhuận năm.
Phạm Khải