0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 19/01/2022 12:01 (GMT+7)

Nông sản Việt bao giờ mới hết “loay hoay” tìm đầu ra?

Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản liên tục tạo nên những kỷ lục mới. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu thời gian qua đã khiến ngành xuất khẩu gặp không ít khó khăn. Vậy khi nào nông sản Việt mới hết loay hoay tìm đầu ra?

Từ câu chuyện tắc biên đến tiêu chuẩn chất lượng

Từ những ngày đầu năm 2022, hàng nghìn xe container chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc (chủ yếu là thanh long) bị ách tắc, thiệt hại cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp chưa thể thống kê được. Không dừng lại ở đó, nhiều loại nông sản khác có sản lượng lớn như mít, chuối, xoài, bưởi... cũng đứng trước nguy cơ khó tiêu thụ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit chia sẻ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của nhiều loại trái cây của Việt Nam như thanh long, mít, dưa hấu… nhưng tâm lý chung của người dân Việt Nam vẫn coi đây là thị trường dễ tính nên ít chú trọng về tiêu chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long và nông sản nói chung theo đường chính ngạch cũng như đáp ứng các yêu cầu về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc…

“Dù có phát triển thêm nhiều thị trường khác thì Trung Quốc vẫn là thị trường có quy mô lớn nhất, phù hợp với nhiều loại nông sản, trái cây của Việt Nam. Do vậy, người dân và doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu mà thị trường đặt ra chứ không thể yêu cầu ngược lại phía bạn phải mở cửa vô điều kiện.

Ngành nông nghiệp và các địa phương cần tuyên truyền, cập nhật thường xuyên cho người dân, doanh nghiệp thông tin về các tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc và khuyến cáo tuân thủ mới có thể giữ được thị trường lâu dài”, ông Huy phân tích thêm.

Trong khi đó, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ phân tích, xuất khẩu trái cây nói chung và thanh long nói riêng hiện nay đang gặp hai vấn đề là mối nguy sinh học COVID-19 và thiếu container rỗng cũng như chi phí vận chuyển.

Đối với chính sách kiểm soát COVID-19, cần sớm kích hoạt thực hiện “Thực hành kiểm soát mối nguy sinh học, thực hiện 5K, bao tay, test nhanh lực lượng lao động trong chuỗi giá trị, test nhanh thành phẩm, bán thành phẩm với mục tiêu là không phát hiện virus trên thành phẩm hay vỏ thùng hàng".

Đây là hành động khẩn thể hiện thiện chí và cách kiểm soát nghiêm túc của nông dân, nhà đóng gói, vận tải và chính quyền Việt Nam với các đối tác nhập khẩu.

Bên cạnh nâng cao chất lượng các loại nông sản, vấn đề vận chuyển cũng cần được lưu tâm. Do vậy, Việt Nam cần chủ động kết nối với hãng tàu, xây dựng kế hoạch mời gọi đội tàu lạnh, đông lạnh giống như những kho lạnh di động vừa phục vụ xuất khẩu vừa phục vụ thị trường nội địa khi cần thiết bởi không chỉ thanh long mà hầu hết trái cây, rau quả và thủy sản xuất khẩu đều dùng tàu lạnh mới đảm bảo chất lượng.

Cần thay đổi tư duy thị trường

Theo các chuyên gia, sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản phải nhanh chóng thích ứng với các quy luật chung về cung – cầu cũng như tiêu chuẩn chất lượng mới có thể khai thác hiệu quả các thị trường một cách bền vững.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, khi gặp ách tắc sang Trung Quốc, phần lớn nông sản chỉ có thể quay đầu về tiêu thụ nội địa chứ không thể chuyển hướng tiếp tục sang các thị trường khác do không đáp ứng được tiêu chuẩn. Điều này phản ánh thực trạng nông dân đổ xô trồng theo số lượng và chưa chú trọng đến các tiêu chuẩn mang tính phổ biến của thị trường toàn cầu và công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế.

Trong khi đó, ngay cả Trung Quốc, thị trường từng được xem là dễ tính nhất cũng liên tục nâng cao các tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa nhập khẩu bằng việc siết chặt nhập khẩu biên mậu và chỉ chấp nhận sản phẩm có đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… nhưng vẫn còn một bộ phận nông dân không cập nhật kịp thông tin hoặc giữ tư duy có gì bán nấy.

“Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc canh tác nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Thực tế các hộ tham gia hợp tác xã sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đều được doanh nghiệp phổ biến các tiêu chuẩn mà khách hàng, thị trường yêu cầu, tổ chức sản xuất theo quy trình và được bao tiêu đầu ra”, ông Phúc cho hay.

Dưới góc độ là nhà phân phối, bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market cho rằng, giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản Việt Nam còn bị động, nhiều loại nông sản cung vượt cầu dẫn đến rớt giá. Mặt khác, khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa thực chất rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, nông sản và các loại trái cây của Việt Nam đang có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường thế giới thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Song cũng đối mặt với rất nhiều thách thức từ các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật ngày càng chặt chẽ; những rủi ro thiên tai và dịch bệnh…

Để tiến xa một cách bền vững, cả nông dân và doanh nghiệp phải nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch động thực vật của thị trường. Thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát tại mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất thông qua việc thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất.

“Những người tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp cần nhanh chóng thay đổi nhận thức và quan niệm từ số lượng sang chất lượng, chú trọng tính an toàn của sản phẩm. Cụ thể, cần lập kế hoạch tổ chức sản xuất và chế biến xuất khẩu dựa trên đánh giá và dự báo nhu cầu thị trường. Không phải gia tăng sản lượng mà tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, chỉ đẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ mới là con đường để khẳng định giá trị và thương hiệu của nông sản Việt Nam”, ông Hòa khuyến nghị.

Bạn đang đọc bài viết Nông sản Việt bao giờ mới hết “loay hoay” tìm đầu ra?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới