Những sáng chế sẽ thống lĩnh ngành xe điện trong tương lai
Xe điện đang ngày càng phát triển và hứa hẹn sẽ thống lĩnh toàn cầu trong tương lai. Vì vậy những sáng chế liên quan đến xe điện luôn được giới công nghệ quan tâm và đang dần được hiện thực hóa.
Pin thể rắn cho xe điện sẽ có mặt vào năm 2030
Dù pin Lithium-ion hiện tại có thể cung cấp đủ điện năng cho xe điện (EV) và vấn đề cần giải quyết lớn nhất vẫn là hạ tầng sạc nhanh nhưng nhiều người vẫn mong chờ khả năng ứng dụng tốt của pin thể rắn (SSB) - một công nghệ đã xuất hiện nhưng vẫn chưa rộng rãi do chi phí sản xuất quá cao.
Tuy nhiên, theo FutureBridge (công ty phân tích của Hà Lan), pin thể rắn sẽ có mức giá bán tương đương với pin Litthium-ion vào năm 2025, mở ra tương lai sáng cho công nghệ này. Đó có thể là một cột mốc dành cho ngành công nghiệp xe điện, SSB không chỉ cho phép sạc nhanh hơn, mà còn tăng tuổi thọ của pin cũng như an toàn vượt trội.
Dù dự đoán đến năm 2030, pin thể rắn mới bắt đầu được thương mại hóa cho xe điện nhưng điều đó có thể đến sớm hơn nhờ vào các nỗ lực từ nhiều công ty hiện nay. Toyota (hợp tác cùng Panasonic) đã công bố ý định trở thành nhà sản xuất ôtô đầu tiên bán một mẫu xe điện trang bị pin thể rắn, với hứa hẹn phạm vi hoạt động tối đa mỗi lần sạc lên tới 500 km và thời gian sạc đầy sẽ chỉ mất 10 phút.
Pin dựng dọc giúp ôtô điện chạy được xa hơn
Page-Roberts là công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London (Anh), tuyên bố rằng họ có thể cải thiện phạm vi di chuyển của một chiếc xe điện lên tới 30% với thiết kế rất độc đáo đã được cấp bằng sáng chế.
Thay vì đặt khối pin dưới sàn xe như cách làm hiện nay, Page-Roberts lắp bộ pin theo chiều dọc sau hàng ghế trước trong khoang cabin, tạo ra ngăn cách giữa hai hàng ghế và hàng ghế sau sẽ quay ngược lại.
Công ty khởi nghiệp cho biết cách bố trí khối pin kiểu ván trượt làm tăng thêm chiều cao, chiều dài cơ sở và "sự phức tạp về cấu trúc". Hướng dọc của bộ pin có thể cải thiện "thiết kế, trải nghiệm người dùng và chi phí sản xuất xe điện".
Công ty cũng tuyên bố rằng một chiếc xe điện với khối pin gắn theo chiều dọc cho phép hành khách ngồi thấp hơn, đồng thời khiến chiếc xe trở nên nhẹ hơn và hiệu quả về mặt khí động học.
Do đó, chiếc xe có khả năng di chuyển hơn 30% trong một lần sạc hoặc sử dụng pin nhỏ hơn để duy trì phạm vi hoạt động tương tự như mức hiện có. Đồng thời, ước tính chi phí sản xuất có thể được cắt giảm 36% và chiếc xe có giá cả phải chăng.
Trạm sạc với cơ chế điều chỉnh thụ động
Hầu hết chúng ta đều ngại khi phải bước ra khỏi xe để đổ xăng khi trời mưa, lạnh hoặc trời tối. Điều gì sẽ xảy ra nếu, với một chiếc xe điện, bạn không cần phải ra khỏi xe để cắm điện? Đó là mục tiêu mà Apple đưa ra phát minh này.
Với công cụ này, ô tô điện có thể tự động kết nối với trạm sạc mà không cần sự trợ giúp của con người sau khi đỗ bên cạnh bộ sạc (do người lái xe hoặc với khả năng tự lái của nó). Bộ sạc cũng có một cơ chế tùy chọn để điều chỉnh độ cao của nó, nhằm đảm bảo phích cắm có thể chạm tới cổng sạc của ô tô.
Công nghệ đột phá giúp pin ô tô sạc đầy chỉ trong 10 phút
Tiến sĩ Rachid Yazami nổi tiếng với phát minh cực dương than chì để sử dụng bên trong pin Li-ion, vừa tuyên bố ông hiện phát triển một công nghệ có thể sạc pin cho xe điện (EV) chỉ trong vòng 10 phút.
Theo Neowin, trong một cuộc phỏng vấn, tiến sĩ Yazami cho biết, “Chúng tôi đã phát triển công nghệ mới, và đây là công nghệ sạc pin nhanh nhất trên thế giới. Gần đây, chúng tôi đã hoàn thành việc sạc pin mật độ cao trong 10 phút. Nếu so sánh với pin xe Tesla cần 70 phút, chúng tôi nhanh hơn gấp bảy lần”.Để đạt được điều này, nhóm ông Yazami đang sử dụng một kỹ thuật gọi là “Đo điện áp phi tuyến tính” (NLV) để điều chỉnh điện áp ở các mức khác nhau.
Nếu người dùng hình dung các mức này là các bước, thì ở một bước nhất định, điện áp cần thiết được giữ không đổi cho đến khi đạt đến bước cao hơn. Khi làm điều này, điện áp được thay đổi đến một lượng phù hợp cần thiết cho bước mới. Quá trình tiếp tục và cuối cùng, pin sẽ được sạc đầy khi đạt đến mức cao nhất. Đó là lý do tại sao nhóm của tiến sĩ Yazami gọi đây là Phép đo điện áp phi tuyến tính vì điện áp tăng dần theo từng bước.
Hà Anh