0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 11/11/2020 15:47 (GMT+7)

Những công trình hạ tầng thay đổi diện mạo Quy Nhơn

Hàng loạt dự án quy mô trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị và du lịch đã đưa Quy Nhơn từ một vùng đất hoang sơ thành một trong những thiên đường.

1. Cầu Thị Nại

Cầu Thị Nại nằm trong top những cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nối từ đất liền trung tâm thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (Khu kinh tế Nhơn Hội). Công trình có chiều dài gần 2.500m, rộng 14,5m với 54 nhịp, được khánh thành tháng 12/2006. Cầu Thị Nại đi vào hoạt động không chỉ thúc đẩy giao thông thuận tiện mà còn mở rộng cánh cửa phát triển du lịch cho khu vực bán đảo Phương Mai, nơi quy tụ những danh thắng nổi tiếng bậc nhất của Quy Nhơn như Eo Gió, Hòn Khô, đồi cát Phương Mai…

2. Sân bay Phù Cát

Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 30km, Cảng hàng không Phù Cát là một trong những sân bay nhộn nhịp bậc nhất của khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Năm 2019, nhà ga cũ của sân bay đã được sửa chữa, nâng cấp thành nhà ga quốc tế T2, với diện tích khoảng 3.000m2, bao gồm 2 tầng với công suất 600.000 khách/năm. 

UBND tỉnh Bình Định đã có đề xuất quy hoạch sân bay Phù Cát thành sân bay quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương và vùng lân cận. Trước đó, sân nay đã đón chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Cheongju (Hàn Quốc) đến Quy Nhơn do Bamboo Airways thực hiện trong đầu năm 2020. 

3. Quốc lộ 19B ( đường trục nối Khu kinh tế Nhơn Hội đến sân bay Phù Cát) 

Là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định, quốc lộ 19B đoạn từ sân bay Phù Cát đến Khu kinh tế Nhơn Hội vừa được khánh thành gần đây có chiều dài 18,5km, gồm 4 làn xe với vận tốc thiết kế 80km/h. 

Sau khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường đã góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ sân bay Phù Cát về KKT Nhơn Hội, Quần thể du lịch FLC… chỉ còn khoảng 15 - 20 phút bằng oto. Từ đó thúc đẩy quá trình đi lại thông suốt, đón đầu làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan vào khu kinh tế cũng như thu hút du khách đến với các điểm du lịch nổi tiếng của Quy Nhơn.

4. Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn 

Được xem là dự án “bước ngoặt” mở ra chương phát triển mới cho du lịch Bình Định, FLC Quy Nhơn là quần thể nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên được xây dựng tại vùng đất võ trời văn.  

Với hơn 70 tiện ích du lịch nghỉ dưỡng cao cấp bao gồm khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị quốc tế, công viên động vật bán hoang dã…, dự án góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng du lịch cao cấp tại một trong những khu vực biển đảo đẹp nhất Việt Nam. 

FLC Grand Hotel Quy Nhon (trái) và FLC Luxury Hotel Quy Nhơn (phải): hai khách sạn của quần thể FLC Quy Nhơn    

Theo thông tin mới nhất, quần thể này sẽ khánh thành thêm khách sạn thứ 2 là FLC Grand Hotel Quy Nhon vào ngày 28/11 tới đây, giúp gia tăng 150% công suất lưu trú của cả quần thể. Đây cũng là khách sạn có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với ước tính 1.500 phòng, sức chứa 3.500 người. 

Được tư vấn bởi BE, thương hiệu nổi tiếng với việc tối ưu hóa các concept “xanh” trong thiết kế, FLC Grand Hotel Quy Nhon cũng là một trong số ít công trình đặt mục tiêu đáp ứng đồng thời các tiêu chuẩn công trình xanh của LEED (Mỹ) và Lotus (Việt Nam). Không chỉ thừa hưởng toàn bộ hệ tiện ích sẵn có của FLC Quy Nhơn, điểm nhấn độc đáo của khách sạn là bể bơi trải dài xấp xỉ 1 km uốn lượn trước 4 tòa khách sạn cao 11 tầng nhìn thẳng ra biển. 

Với thiết kế độc đáo như chuỗi ADN khổng lồ ven bờ biển Nhơn Lý, dự án được kỳ vọng sẽ là một trong những công trình biểu tượng mới của Bình Định. 

5. Sân golf FLC Golf Links Quy Nhon

FLC Golf Links Quy Nhon là sân golf tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên và duy nhất của Quy Nhơn đến nay. Được thiết kế trên những đồi cát lớn bên cạnh rừng thông xanh ngát, với view biển Nhơn Lý thơ mộng, FLC Golf Links Quy Nhon từng lọt Top 3 sân golf đẹp nhất châu Á cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. 

Là nơi tổ chức của hàng loạt giải golf quy mô hàng đầu Việt Nam, FLC Golf Links Quy Nhon góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cao cấp cho Bình Định, với mục tiêu đón tiếp hàng vạn khách khách chơi golf thu nhập cao từ các quốc gia Châu Á lân cận. 

6. Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE)

Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tọa lạc tại Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa. Công trình do hai kiến trúc sư người Pháp Jean Francois Milou và Thomas Rouyrre thiết kế bao gồm các hội trường, khách sạn, nhà hàng... đan xen hài hòa với khung cảnh thiên nhiên để mang đến không gian hội nghị, nghiên cứu và nghỉ dưỡng nhiều tiện ích cho giới khoa học.

Công trình được kỳ vọng là điểm đến của các nhà khoa học và là điểm sáng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả khu vực Đông Nam Á, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

7. Quảng trường Nguyễn Tất Thành

Quảng trường Nguyễn Tất Thành nằm trên đại lộ Nguyễn Tất Thành và là một trong ba quảng trường lớn của thành phố biển. Nơi đây có công trình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành khánh thành năm 2017, làm bằng chất liệu đồng, cao 15,5 m và là điểm đến quen thuộc của nhiều sự kiện văn hóa – nghệ thuật quan trọng của Quy Nhơn. Nhờ vị trí thuận lợi giữa các trục giao thông chính, đây cũng là điểm mốc thuận tiện cho người dân và du khách di chuyển đến các điểm du lịch như Kỳ Co, Eo Gió, bãi tắm Hoàng Hậu…

8. Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định

Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định được xem là điểm nhấn kiến trúc kết hợp hài hòa giữa cảnh quan hiện đại của phố biển Quy Nhơn và vườn đồi hoa viên Nguyễn Thái Học. Không gian bên trong và ngoài được tổ chức đan xen theo lối kiến trúc mở tối đa, đáp ứng nhu cầu tổ chức hội thảo, hội nghị quy mô hơn 1.000 người cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật… của người dân và du khách.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Những công trình hạ tầng thay đổi diện mạo Quy Nhơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới