Người Cao Bằng làm giàu từ cây kiệu
Với đặc tính chịu hạn, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây trồng khác như cây ngô, lúa nên từ nhiều năm qua, cây kiệu đã được nhiều hộ nông dân ở Cao Bằng chọn là cây chủ lực.
Tại Cao Bằng, kiệu là một trong những cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế cao được bà con huyện Trùng Khánh trồng từ nhiều năm nay.
Người dân xã Trung Phúc (huyện Trùng Khánh) cho biết: Từ vài chục năm trước, cây kiệu giống bản địa đã được người dân trong xóm trồng. Gia đình năm nào cũng trồng trên diện tích vài trăm mét vuông. Cứ đến ngày phiên chợ là lại nhổ vài gánh mang ra bán.
Thực tế chưa có đơn vị bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch dẫn tới diện tích trồng ở địa phương này còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích lớn.
Vụ đông xuân năm nay, xã tuyên truyền có đơn vị bao tiêu và hỗ trợ giống kiệu Đồng Tháp cho năng suất tốt, nhiều người dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng kiệu.
Thu hoạch củ kiệu. Ảnh NNVN
Theo một hộ dân trồng kiệu có kinh nghiệm tại địa phương, kiệu là cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, ít sâu bệnh, ít phải đầu tư, nhanh cho thu hoạch và đem lại giá trị kinh tế khá cao. Mỗi ha nếu thâm canh tốt có thể cho năng suất từ 30 - 40 tấn củ. Nghề trồng kiệu không quá khó nhưng phải chăm sóc kỹ, sau khi trồng được 1 tháng thì làm cỏ, từ tháng thứ hai vừa làm cỏ vừa bón phân mới.
Chủ tịch UBND xã Trung Phúc cũng cho biết: Cây kiệu có thể trồng quanh năm, thường có 2 vụ. Vụ chính là vụ đông xuân, trồng từ cuối tháng 12 thu hoạch vào cuối tháng 6, vụ này cây sinh trưởng phát triển tốt nên cho năng suất cao. Vụ phụ có thể trồng từ tháng 7 để thu hoạch vào cuối năm. Với đặc tính chịu hạn, ít bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây trồng khác như cây ngô, lúa nên từ nhiều năm qua, cây kiệu đã được nhiều hộ nông dân ở xã lựa chọn là cây trồng chủ lực. Nhiều hộ gia đình nhờ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng kiệu đem lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Bởi vậy, để phát triển cây kiệu thành cây trồng mũi nhọn, nâng cao thu nhập cho bà con, năm 2019 UBND xã phối hợp với Công ty TNHH Vạn Phúc Cao Bằng hỗ trợ giống để mở rộng diện tích trồng, đồng thời đưa giống kiệu Đồng Tháp về trồng thử nghiệm. Đây là giống kiệu có giá trị và năng suất cao đã được trồng ở nhiều địa phương trong cả nước. Với diện tích trồng 17 ha trên địa bàn 2 xã là Trung Phúc và Đoài Dương, trong đó diện tích trồng tại xã Trung Phúc khoảng 12 ha.
Sau quá trình trồng cho thấy giống kiệu Đồng Tháp rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao; củ kiệu to, tròn, sản lượng trung bình khoảng 30 tấn/ha, cao hơn giống địa phương 5 - 7 tấn/ha. Giá trị mỗi ha ước tính trung bình hơn 250 triệu đồng. Phó Giám đốc Công ty TNHH Vạn Phúc Cao Bằng cho biết: Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương của huyện Trùng Khánh và một số huyện khác trong tỉnh Cao Bằng triển khai trồng kiệu vụ hè thu, tiến tới trồng 2 vụ/năm. Công ty sẽ ký cam kết bao tiêu sản phẩm trong nhiều năm tới tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất, đầu ra sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm