Năm 2021: Bất chấp đại dịch, kiều hối dự kiến đạt mức kỷ lục
Được biết, dự kiến năm 2021, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ đạt mức kỷ lục 18,1 tỷ USD, cao hơn con số 17,2 tỷ USD của năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19.
Kiều hối vẫn tăng bất chấp đại dịch
Trước đó, năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 17,2 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới. Tổng kiều hối về các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình dự báo tăng 7,3%, lên mức 589 tỷ USD trong năm 2021. Đại dịch Covid-19 đã kéo nền kinh tế thế giới vào suy thoái, song không tác động đến dòng kiều hối. Năm 2022, kiều hối được dự báo tăng 2,6%.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối về Thành phố trong 11 tháng qua ước đạt 6,2 tỷ USD, vượt con số cả năm 2020 là 6,1 tỷ USD. Trong khi đó, lượng kiều hối vẫn tiếp tục chuyển về, nên dự kiến cả năm 2021, TP.HCM sẽ thu hút được khoảng 6,5 - 6,6 tỷ USD kiều hối, bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho hay, tính hết tháng 9/2021, kiều hối tại TP.HCM đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ trong 2 tháng qua, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng khoảng 1 tỷ USD. Mặc dù diễn biến của dịch Covid-19 với nỗi lo biến chủng gây khó khăn cho sự phục hồi kinh tế nhưng dòng kiều hối đổ về Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.
Theo đó, nguồn kiều hối chuyển về những năm qua chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước, mà còn giúp ổn định nguồn ngoại tệ.
Dự đoán sẽ còn tăng mạnh dịp cuối năm
Có nhiều dự đoán kiều hối sẽ tăng mạnh những tháng cuối năm do người lao động có khoản tích lũy cả năm để gửi về quê nhà vào dịp Tết.
Nguyên nhân khiến lượng kiều hối tăng mạnh trong năm nay được cho là do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nên nhiều người Việt ở nước ngoài đã chuyển tiền về hỗ trợ người thân. Bên cạnh đó, dòng kiều hối chuyển về nước còn để đầu tư vào các kênh như chứng khoán.
Chia sẽ về vấn đề này, ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu của WB về an sinh xã hội và việc làm cho biết, dòng kiều hối từ người di cư, cùng các chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt của chính phủ, đã giúp đỡ nhiều gia đình gặp khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19. Do đó, các quốc gia cần có chính sách tạo điều kiện cho dòng kiều hối để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Một ý kiến khác từ Lãnh đạo Công ty Kiều hối Sacombank (SBR) nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn, nhưng kiều hối về Việt Nam vẫn khả quan, do tình hình vắc-xin đã được phủ trên diện rộng. Vì thế, nhiều người Việt ở nước ngoài có thể đi làm và kinh doanh trở lại để tăng thu nhập.
Trong khi đó, họ không thể về Việt Nam theo kế hoạch, nên chuyển tiền về, thay vì mang tiền mặt về như mọi năm. Đó cũng là lý do vì sao doanh số kiều hối tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường châu Á, châu Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng kiều hối chảy về Việt Nam qua ngân hàng này.
Theo đó, kiều hối dự báo tăng 2,6% trong năm 2022. Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và kiều hối nói riêng ở quy mô toàn cầu là số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại và các biện pháp hạn chế đi lại được tái lập.
Đồng thời, việc chấm dứt các chương trình kích thích tài khóa và hỗ trợ việc làm khi kinh tế phục hồi cũng có thể làm giảm lượng kiều hối.