0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 26/06/2020 21:06 (GMT+7)

Lợi nhuận khủng, nhiều ngân hàng vẫn 'nói không' với chia cổ tức bằng tiền

NHNN không khuyến khích các ngân hàng thương mại chia cổ tức tiền mặt, giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong thuyết phục cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Kết thúc năm tài chính 2019, nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận siêu “khủng” song hàng loạt ngân hàng không chia cổ tức, thay vào đó là ồ ạt chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) diễn ra ngày 15/6, cổ đông Ngân hàng SHB đã thông qua phương án tăng vốn thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ 10%. Do đó, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng 17.558 tỷ đồng lên 19.314 tỷ đồng trong quý 3/2020. Kế hoạch sử dụng vốn điều lệ tăng thêm là dùng 300 tỷ đồng để đầu tư hiện đại hóa công nghệ; 1.355 tỷ đồng để cho vay khách hàng cá nhân và SMEs.

NGAN HANG

 ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của SHB.

Đến ngày 16/6, Ngân hàng ACB cũng thống nhất việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% từ lợi nhuận năm 2019 để tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay và tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% cho năm 2020.

Do đó, vốn điều lệ tối đa dự kiến tăng thêm hơn 4.988 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ mức 16.627 tỷ đồng lên gần 21.616 tỷ đồng. Việc tăng vốn dự kiến hoàn thành trong quý 4/2020.

Hay tại MBBank, năm 2019 ngân hàng đã đạt nhiều kết quả tích cực, vượt so với kế hoạch cổ đông giao như lợi nhuận trước thuế 10.036 tỷ đồng, tăng 29,2%; có hiệu quả sinh lời trên vốn (ROE) thuộc top 3 của thị trường. Tuy nhiên, ngoại trừ chỉ tiêu tăng vốn điều lệ là chưa đạt.

Do đó, tại ĐHĐCĐ ngày 24/6, MBBank quyết định chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 15%. Với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.617 tỷ đồng. Việc chi trả sẽ thực hiện trong quý 3 đến quý 4, thời gian cụ thể sẽ giao cho HĐQT thực hiện. Sau khi hoàn tất trả cổ tức, vốn điều lệ của MB sẽ tăng lên mức 27.987 tỷ đồng, nằm trong top các ngân hàng có vốn cao nhất.

Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 30/6/2020, HĐQT OCB sẽ trình cổ đông kế hoạch cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25-27%. Năm 2019, OCB cũng đã chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ từ 6.600 tỷ đồng lên 7.899 tỷ đồng. Giữa tháng 3/2020, OCB tiếp tục được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 8.767 tỷ đồng sau khi cổ đông Ngân hàng thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phiếu (tương đương 11% vốn điều lệ) cho Ngân hàng Aozora của Nhật Bản.

“Ông lớn” Vietcombank cũng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên 43.764 tỷ đồng. Cụ thể, Vietcombank sẽ trình cổ đông tăng vốn điều lệ theo 2 cấu phần. Trong đó, cấu phần thứ nhất là phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 18%. Thời gian thực hiện dự kiến trong nửa cuối năm 2020.

Ngoài những ngân hàng trên, từ nay đến cuối tháng, còn nhiều ngân cũng tổ chức đại hội đồng cổ đông với tâm điểm là tăng vốn. 

NGAN HANG 1

 ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của MBBank.

Đánh giá chính sách cổ tức ngân hàng năm nay, giới chuyên gia nhìn nhận, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt giúp ngân hàng tập trung nguồn lực giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của NHNN, trong khi có thể tăng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, với những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, cổ đông khó kỳ vọng cổ tức do ngân hàng phải tập trung nguồn lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Hơn nữa, đằng sau việc tăng vốn ồ ạt của các ngân hàng năm nay có thể sẽ khiến các cổ đông lo lắng. Theo giới phân tích,  việc tăng vốn quá nhanh sẽ “pha loãng” cổ phiếu, khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) chậm lại, đồng nghĩa với hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) vốn đã ở khá cao lại tiếp tục tăng thêm.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Lợi nhuận khủng, nhiều ngân hàng vẫn 'nói không' với chia cổ tức bằng tiền. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới