Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam
4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 78,08 tỷ USD, giảm 0,3%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 28,7% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Theo Tổng cục Hải quan, xét về quy mô kim ngạch, châu Á đang là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam.
4 tháng đầu năm 2020, trao đổi thương mại của Việt Nam với thị trường châu Á đạt 103,61 tỷ USD, dù giảm nhẹ 0,4 % so với cùng kỳ năm 2019 những vẫn chiếm tỷ 65,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu là 41,03 tỷ USD, tăng 1,5% và trị giá nhập khẩu là 62,58 tỷ USD, giảm 1,7%.
Đáng chú ý, mặc dù hầu hết thị trường chủ lực có sự sụt giảm nhưng châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lên đến 80,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Trong đó, một số thị trường lớn ở châu lục này như Trung Quốc đạt 22,38 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 28,7% kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Và đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất.
Nhật Bản đạt 14,42 tỷ USD, giảm 4,6%, chiếm 18,5% kim ngạch nhập khẩu cả nước; các thị trường thuộc ASEAN đạt 9,54 tỷ USD, giảm mạnh 11,2% và chiếm tỷ trọng 12,2%.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 28,7% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trong các thị trường lớn ở châu Á, Hàn Quốc là đối tác hiếm hoi có kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng dương và ở mức khá cao 2 con số.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm, cả nước chi 6,48 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia Đông Á này, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2019 và chiếm 8,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ hay EU cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Trong đó thị trường Mỹ đạt 4,76 tỷ USD, tăng 10,5%; EU đạt 4,81 tỷ USD, tăng 9,2%...
Trong bối cảnh sụt giảm chung, nhiều nhóm hàng nhập khẩu tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm.
Nhóm hàng duy nhất có kim ngạch tăng thêm tỷ USD trong 4 tháng đầu năm là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Đây cũng là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Trong thời gian này, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 17,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2019.
Đặc biệt, doanh nghiệp FDI chiếm 14,7 tỷ USD, tương đương 84% trong tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số mặt hàng nhập khẩu có sự tăng trưởng đáng chú ý khác như: Dầu thô, điện thoại và các loại và linh kiện…
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận nhiều nhóm hàng nhập khẩu chủ lực có sự sụt giảm kim ngạch lên đến hàng trăm triệu USD.
Trong đó, nhóm hàng có kim ngạch giảm nhiều nhất là xăng dầu. 4 tháng qua, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 2,4 triệu tấn, giảm 22,7%, giảm tới 41,7% (tương đương 800 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ô tô nguyên chiếc, sắt thép cũng là nhóm hàng giảm mạnh, lần lượt là 430 triệu USD và 290 triệu USD.
Đáng chú ý, những nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh là những nhóm hàng có đóng góp lớn về thu ngân sách của ngành Hải quan.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm