0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 15/06/2020 23:28 (GMT+7)

Thực thi Hiệp định EVFTA: 'Đòn bẩy' cho ngành thủy sản Việt Nam

Hiệp định thương mại EVFTA được thực thi, doanh nghiệp thủy sản sẽ có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU.



Hiệp định EVFTA sẽ là 'đòn bẩy' cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU

Cụ thể: Gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.

Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.

EVFTA sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ… Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến có thể tăng thêm 20% trong 2 năm tới.

EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường với 508 triệu dân và GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Với ngành hàng thủy sản, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này chiếm 17 - 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; trong đó sản phẩm tôm chiếm 22%, cá tra 11%, các mặt hàng hải sản 30 - 35%. EVFTA có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được giảm về 0% và 50% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau từ 3 - 7 năm...

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc xuất khẩu sang thị trường EU nói riêng và các thị trường khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Brazil...đều có sự giảm mạnh với mức hai con số.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, với tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Brazil… nên xuất khẩu cá tra trong quý II khó có thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm.

Để sớm lấy lại tăng trưởng của ngành hàng này, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết ngành sẽ tăng cường kiểm soát điều kiện nuôi trồng thủy sản và chất lượng vật tư đầu vào; kiểm tra điều kiện nuôi trồng thủy sản và cấp mới/cấp lại mã số nhận diện ao nuôi theo quy định tại Luật Thủy sản.



Để lấy lại được đà tăng trưởng, ngành thủy sản sẽ tăng cường kiểm soát điều kiện nuôi trồng, đánh bắt

Khi EVFTA được thực thi doanh nghiệp thủy sản sẽ có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU. Bởi lẽ EU là thị trường quan trọng với thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình khai thác, sản xuất thủy sản tại các địa phương; tình hình dịch COVID-19 tại các nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường chính, truyền thống; kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiến hành xuất khẩu, giao kết hợp đồng mới ngay khi các thị trường này mở cửa trở lại.

Theo báo cáo từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam mặc dù chịu thiệt hại lớn từ COVID-19. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng giảm dần, từ tháng 5 trở đi doanh thu của các công ty thuỷ sản đã nhích dần khi số lượng đơn hàng tăng ồ ạt.

Đây là tin vui đáng mừng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, khi các nước cũng trong giai đoạn kích cầu phục hồi nền kinh tế.

Theo đó, sản lượng xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4 của Việt Nam, đạt 150.000 tấn, trị giá 600 triệu USD, tăng 1% về lượng, nhưng giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Đại diện VASEP cho rằng, khi COVID-19 đang bùng phát mạnh, tác động đến nhiều ngành kinh tế thì EVFTA thực sự là cánh cửa rộng mở cho thủy sản Việt Nam. Bởi, ngoài cắt giảm thuế, EVFTA còn giúp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với các nước như Ấn Độ, Thái Lan... Tuy vậy, để tận dụng tốt “sân chơi” này, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của Việt Nam so các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, trước mắt, xuất khẩu từ Việt Nam sang liên minh châu Âu (EU) có thể bị sụt giảm, không đạt được như kỳ vọng được đặt ra (trước khi có dịch bệnh) mà ta trông chờ vào EVFTA, EVIPA. Thế nhưng, sự sụt giảm này chỉ trong ngắn hạn, về lâu dài sẽ tăng. Lâu nay, xuất khẩu nhiều nhưng 70% là đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).


Để tận dụng tốt lợi thế mà EVFTA và CPTPP mang lại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn, điều chỉnh lại nguồn cung nguyên liệu phù hợp với yêu cầu xuất xứ của từng thị trường.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Thực thi Hiệp định EVFTA: 'Đòn bẩy' cho ngành thủy sản Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới