M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
Trải qua 2 làn sóng Covid-19, thị trường bất động sản phía Nam chứng kiến loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) “đình đám” với sự góp mặt của nhiều “ông lớn” trong và ngoài nước.
Những thương vụ M&A bất động sản phía Nam
Một trong những thương vụ đáng chú ý nhất là vào tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Capitaland Tower và Công ty Cổ phần dịch vụ - thương mại TP. HCM (Setra Corp) đã ký kết hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng phần dự án quy mô 6.042m2 tọa lạc tại khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son.
Về khu đất này, Capitaland Tower được UBND TP. HCM chấp thuận đầu tư dự án công trình tòa nhà văn phòng, thương mại - dịch vụ khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son, quy mô 6.042m2, cao 60 tầng. Ngoài tên gọi Capitaland Tower, dự án này còn được biết đến với tên gọi Landmark 60 Bason hay The Sun Tower.
Ngay sau khi ký thỏa thuận với Capitaland Tower, Setra Corp đã thực hiện 31 đợt phát hành trái phiếu, huy động tổng cộng 3.750 tỷ đồng. Số trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 31/7/2023 nhưng danh tính trái chủ không được tiết lộ.
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch. |
Cập nhật tới ngày 11/8/2020, Setra Corp còn nâng vốn điều lệ lên mức 2.000 tỷ đồng. Những động thái thu xếp vốn của Setra Corp phần nào cho thấy tiềm lực tài chính đáng nể của giới chủ đứng sau doanh nghiệp này.
Hay Tập đoàn Mitsubishi và Công ty TNHH Bất động sản Nomura đã mua 80% cổ phần trong giai đoạn 2 của dự án Grand Park, quận 9, TP. HCM.
Công ty Cổ phần đầu tư LDG mới đây cũng công bố đã nhận chuyển nhượng dự án khu căn hộ cao cấp Sông Đà Riverside tại quận Thủ Đức, TP. HCM từ Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Thương vụ này là kết quả sau nhiều tháng đàm phán giữa hai bên để LDG Group mua lại 99,9% cổ phần của Công ty Cổ phần bất động sản Hiệp Phúc, pháp nhân sở hữu dự án này. Sau khi thương vụ hoàn tất, dự án được đổi tên thành khu căn hộ cao cấp LDG River, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.153 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn xác nhận chuyển nhượng thành công 20% vốn góp tại dự án khu nhà ở phía Nam đường Xuyên Á từ Công ty Cổ phần Địa ốc 9.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch mua lại các quỹ đất ở thị trường các tỉnh trong thời gian tới và đang gấp rút hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng dự án Gem Premium (quận Thủ Đức, TP. HCM) cho Tập đoàn Đất Xanh.
Ở một thương vụ khác, Công ty Bất động sản Phát Đạt nhận chuyển nhượng 99% phần vốn góp tại Công ty Cổ phần Bến Thành - Long Hải, đơn vị sở hữu khu du lịch Bến Thành - Long Hải (tên thương mại Tropicana Beach Resort & Spa) và Wyndham Tropicana Resort & Villa Long Hải.
Dự án Wyndham Tropicana Long Hải được quy hoạch trên tổng diện tích đất 12,64ha. Cách đây gần một năm, Công ty Bến Thành Long Hải ra mắt dự án và dự kiến bàn giao cho khách hàng vào quý IV/2021. Còn dự án khu du lịch Bến Thành - Long Hải được xây dựng trên khu đất rộng 12,5ha, tọa lạc tại xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.
Tại Bình Định, một ông trùm về “săn” dự án là Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để mua một dự án tại Nhơn Hội (Bình Định) với quy mô hơn 1.000ha.
Sau khi mua lại dự án này, Hưng Thịnh đang lên kế hoạch triển khai, dự kiến biến thành một khu phức hợp nhà ở, biệt thự, khách sạn du lịch và nghỉ dưỡng. Ngoài ra, gần đây Hưng Thịnh cũng đã chi khoản tiền lớn để mua lại quỹ đất có quy mô lên đến hàng ngàn ha tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) để phát triển dự án.
Tại Đà Nẵng, “ông lớn” Danh Khôi không nằm ngoài cuộc đua với thương vụ mua lại quỹ đất vàng ngay trung tâm thành phố - dự án Sun Frontier và một dự án ven biển là Hotel And Resort Đà Nẵng từ Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước.
Doanh nghiệp này cũng mua lại 3 lô đất “vàng” có quy mô diện tích hơn 11.000m2 thuộc khu dân cư Cồn Tân Lập, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 8, Công ty Cổ phần địa ốc Hoàng Quân đã chuyển nhượng dự án HQC Tây Ninh cho Công ty Cổ phần đầu tư Thành phố Vàng. Dự án chung cư nhà ở xã hội HQC Tây Ninh có tổng vốn đầu tư gần 1.776 tỷ đồng, với quy mô gồm 7 block chung cư cao 16 tầng.
Đến nay, Công ty Hoàng Quân đã giải ngân 120 tỷ đồng và triển khai xây dựng đến tầng 4 của 4 tòa chung cư, 3 tòa còn lại đang thi công móng. Hiện Hoàng Quân và Thành phố Vàng đang chuẩn bị ký hợp đồng và thực hiện các thủ tục thay đổi chủ đầu tư.
Đơn vị nhận chuyển nhượng sẽ tiếp nhận và tiếp tục thi công, dự kiến bàn giao 4 block nhà vào tháng quý II/2022 và 3 block còn lại bàn giao vào quý IV/2022.
Vốn ngoại sẵn sàng đổ vào thị trường bất động sản Việt
Ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, cho biết dưới tác động của Covid-19, các thương vụ M&A bất động sản sẽ được thúc đẩy nhanh hơn khi việc đàm phán để đưa ra mức giá phù hợp dễ dàng hơn trước.
“Phân khúc được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong năm nay được dự báo là văn phòng và đất dự án để thực hiện các khu phức hợp căn hộ và thương mại dịch vụ”, ông Raymond Clement nhận định.
Đối với phân khúc khách sạn, vị giám đốc nhìn nhận những sản phẩm ở vị trí đắc địa vẫn được quan tâm, tuy nhiên giá chào bán sẽ bị sụt giảm.
Với dự án đất xây dựng, ông cho rằng nếu quy trình xin phê duyệt tổng mặt bằng và quy hoạch kiến trúc đến cấp giấy phép xây dựng không được đẩy nhanh tiến độ thì chủ đầu tư sẽ bị đọng vốn và không thể chuyển nhượng khi giấy phép chưa hoàn tất.
Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam, dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại vẫn đang sẵn sàng để đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam.
“Phần lớn các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, một số nhà đầu tư tham gia vào thị trường phải thực hiện những giao dịch kéo dài 2-3 năm nhưng giao dịch chưa hoàn tất dù dòng tiền rất sẵn sàng vì gặp khó khăn bởi quy trình phê duyệt hiện tại”, bà Khanh nói.
Bà Khanh cho rằng việc rà soát chặt chẽ thủ tục pháp lý của các dự án góp phần làm tăng tính minh bạch thị trường nhưng cũng ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Theo Kinh tế chứng khoán Việt Nam