Điểm mặt loạt đại gia địa ốc phía Bắc 'Nam tiến'
Sau giãn cách, thị trường BĐS bắt đầu tái khởi động. Trong sự sôi nổi trở lại phải kể đến động thái “Nam tiến” của các đại gia địa ốc miền Bắc. Trước đó Đông Anh cũng là vùng đất của các đại gia địa ốc từng đổ bộ ồ ạt.
Đại gia địa ốc phía Bắc đổ bộ các thị trường phía Nam
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng gần đây, nhiều đại gia địa ốc phía Bắc đã công bố kế hoạch Nam tiến, thị trường liên tiếp đón nhận thông tin về các kế hoạch “khủng” của các đại gia địa ốc bất động sản (BĐS) khu vực này ngay sau giãn cách.
Cụ thể, Tân Hoàng Minh gần đây nhất đã công bố đầu tư tỷ đô cho quần thể du lịch tại Phú Quốc. Dự án nằm tại Bãi Trường, cách sân bay Phú Quốc 10km. Quần thể có vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng, quy mô 34ha, bao gồm hệ thống khách sạn 5 sao, 129 shophouse, 76 biệt thự và 15 toà căn hộ khách sạn condotel với khoảng 7.000-8.000 căn... Tổ hợp phát triển theo mô hình khu du lịch mở "một điểm đến mọi nhu cầu" là nơi tích hợp vừa nghỉ dưỡng, vừa vui chơi giải trí.
Công ty CP Tập đoàn T&T khảo sát, nghiên cứu, đề xuất 3 dự án đầu tư tại quận Bình Thủy và huyện Phong Điền và được UBND TP.Cần Thơ vừa chấp thuận.
Với 3 dự án đó là, dự án Khu đô thị hai bên đường Võ Văn Kiệt (Khu 3) quy mô khoảng 219ha tại hai phường Bình Thủy và Long Hòa, quận Bình Thủy. Dự án thứ hai là thành phố khoa học ứng dụng công nghệ cao Cù Lao Phong Điền quy mô khoảng 260ha tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Và dự án thứ ba nằm ở khu vực Cồn Sơn quy mô khoảng 75ha tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy.
FLC Group công bố dự án FLC Gia Lai Golf Club & Luxury Resort - quần thể nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái ở Tây Nguyên vào hôm 16/10 vừa qua. Theo quảng cáo của chủ đầu tư, dự án thiết kế nhiều tiện ích gồm: khách sạn năm sao, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf 36 hố, công viên bảo tồn bonsai đầu tiên tại Tây Nguyên.
Ngoài ra, dự án còn có khu động vật bán hoang dã, trường học liên cấp, bệnh viện đa khoa quốc tế lớn nhất Gia Lai, sân khấu nhạc nước diện tích 15.000m2, bể bơi vô cực...
Tân Á Đại Thành đã đưa ra phương án quy hoạch sơ bộ với dự án khu đô thị trung tâm hành chính ở Đắk Lắk cũng khu vực Tây Nguyên. Doanh nghiệp này cho biết, dự án có diện tích khoảng 72ha, vị trí tại thôn 9 xã Ea Đar, giáp với khu trung tâm hành chính mới của huyện, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 2.700 tỷ đồng.
Lý giải việc xu hướng Nam tiến của các đại gia địa ốc phía Bắc, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, quy mô của thị trường bất động sản TP.HCM và miền Nam nói chung lớn hơn so với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Những năm qua, các chủ đầu tư ở Hà Nội bắt đầu chú trọng đến việc phát triển điều kiện hạ tầng, đầu tư tiện ích và cải thiện quy trình bàn giao nhưng chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn còn đi sau thị trường phía Nam. Trong con mắt của các nhà đầu tư TP.HCM và phía Nam, nhìn chung, cơ hội Bắc tiến không nhiều và không tiềm năng như thị trường miền Nam.
Các đại gia địa ốc cũng từng đổ bộ ồ ạt ở Đông Anh
Trước đó, vào quý II, quý III/2021 Đông Anh là vùng đất của các đại gia địa ốc cũng từng đổ bộ. Sở dĩ thị trường BĐS Đông Anh có sức hút lớn là bởi trong định hướng phát triển của Chính phủ và TP.Hà Nội, bên cạnh việc nâng cấp lên quận trước năm 2025, thành phố sẽ xem xét đến việc xây dựng huyện Đông Anh trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô. Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Đông Anh sẽ trở thành đô thị trung tâm, một quận của Thủ đô - một thành phố thông minh bên bờ Bắc sông Hồng.
Không khó hiểu khi Đông Anh đón nhận các chính sách lớn của nhà nước trong đầu tư đồng bộ, nhanh chóng và quy mô hệ thống hạ tầng. Trên thực tế, hạ tầng Đông Anh đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vai trò đầu mối giao thông quan trọng nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, đáp ứng sự lớn mạnh không ngừng của cực tăng trưởng mới.
Đông Anh được mệnh danh là vùng đất tỷ đô khi chứng kiến cuộc đổ bộ ồ ạt của hàng loạt đại gia địa ốc với các dự án quy mô khủng. Cụ thể, Sungroup với dự án công viên Kim Quy có diện tích lên tới 136ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.600 tỷ đồng; Vingroup với công viên phần mềm rộng 78,1ha với tổng mức đầu tư 7.873 tỷ đồng, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia có quy mô 90ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.336,24 tỷ đồng.
Còn với Tập đoàn BRG với thành phố thông minh với diện tích 272ha, tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD; Tập đoàn TH với Dự án Tổ hợp Y tế & Chăm sóc sức khoẻ công nghệ cao TH Medical quy mô 40ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng…
Đáng chú ý, trong hàng loạt dự án quy mô lớn tập trung vào các lĩnh vực giải trí, tài chính, giáo dục, văn hóa, công nghệ và y tế như trên thì riêng ông lớn Vimefulland chọn hướng đi riêng, đổ bộ thị trường này với dự án bất động sản nhà ở Helianthus Center Red River có quy mô 5ha, tổng vốn đầu tư là 1.300 tỷ đồng.