0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 31/05/2023 10:40 (GMT+7)

Lãi suất tiếp tục “hạ nhiệt”, thị trường bất động sản liệu có vực dậy?

Việc Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại tiếp tục “hạ nhiệt” được kỳ vọng sẽ là một trong những yếu tố tích cực đưa dòng tiền quay trở lại với thị trường bất động sản.

Kể từ giữa tháng 3/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ba lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành, các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5 - 1,5%/năm. Cùng với đó, trong tháng 5/2023, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Vietcombank giảm lãi suất cho vay 0,5% đối với những khoản vay bằng tiền đồng đối với tiền gửi ngắn hạn. Agribank cũng công bố chương trình tín dụng ưu đãi có quy mô 100.000 tỉ đồng và 500 triệu USD đối với khách hàng doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay giảm 1,5%/ năm đối với tiền đồng và 1%/năm cho khoản vay bằng USD, áp dụng từ 15/3 đến hết tháng 6. Ngân hàng MB Bank cũng công bố giảm 1%/năm lãi suất khi khách hàng vay vốn trên nền tảng số…

Ngân hàng Agribank cũng giảm lãi suất cho vay lần thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Trong đợt này, Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng.

Tại Ngân hàng VPBank, lãi suất giảm đồng loạt 0,2%/năm với các kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 - 13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn 15 - 36 tháng còn 7,2%/năm…

Tín hiệu tác động tích cực vào thị trường

Theo ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - cho rằng, đây là điều tích cực cho thị trường Bất động sản, bởi khi lãi suất vay vốn giảm sẽ có ba tác động tích cực cho cả bên bán và bên mua.

Lãi suất tiếp tục “hạ nhiệt”, thị trường bất động sản liệu có vực dậy? - Ảnh 1
Việc Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại tiếp tục “hạ nhiệt” được kỳ vọng sẽ là một trong những yếu tố tích cực đưa dòng tiền quay trở lại với thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, áp lực chi phí vốn đối với chủ đầu tư sẽ giảm bớt do tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn. Từ đó, chủ đầu tư có thể đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường bất động sản. Đồng thời, họ có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án dang dở, cũng như triển khai dự án mới.

Thứ hai, khi hạ lãi suất, người mua có nhu cầu mua nhà, đầu tư sẽ nhiều hơn. Trước đây, lãi suất cho vay ở mức cao là một trong những rào cản lớn đối với việc khách hàng ra quyết định mua Bất động sản.

Thứ ba, việc ngân hàng hạ lãi suất sẽ tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản. Bởi, thời gian qua, khách hàng có tâm lý chờ đợi giá Bất động sản giảm tiếp, làm thanh khoản thị trường trầm lắng. Vì vậy, trong bối cảnh lãi suất giảm dần, tình trạng trên sẽ được cải thiện và tâm lý trên thị trường sẽ tích cực hơn.

Mức giảm vẫn "chưa thấm vào đâu"

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), cho rằng dù đã giảm lãi suất nhiều lần nhưng vẫn "chưa thấm vào đâu". Điều này chỉ mới tác động một phần tới tâm lý, chứ chưa thực sự trở thành đòn bẩy để vực lại thị trường đang vô cùng bết bát.

“Thực tế thị trường vẫn trong giai đoạn giảm, nên dù lãi suất giảm thêm cũng chưa có tác động nhiều. Trong khi, nguồn cung và cầu bất động sản hiện nay gần như "tê liệt". Theo đó, điều này chỉ tích cực với các đơn vị có nợ sẵn, họ vay để cơ cấu lại nợ, còn với người vay đầu tư mới gần như không có. Đa phần các nhóm đầu tư trên thị trường vẫn đang ngồi chờ. Giai đoạn này, nhiều đơn vị sẽ ưu tiên dành thời gian hoàn thiện hồ sơ pháp lý”, ông Toản nói.

Nêu quan điểm, ông Phạm Anh Khôi, thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường Hội Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng, biểu đồ lãi suất là yếu tố quyết định tác động tới việc dòng tiền có quay lại thị trường bất động sản hay không. Hiện mức cho vay phổ biến quanh mốc 13-14%/ năm. Nếu con số này vẫn neo cao, sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế, trong đó có ngành bất động sản.

"Trong trường hợp lãi suất cho vay chỉ "nằm vùng" quanh ngưỡng 12-13% một năm, dòng tiền nhiều khả năng vẫn bị đứng. Người giữ tiền mặt tạm thời cầm tiền quan sát, chờ đợi chứ không dịch chuyển tiền vào nền kinh tế. Khi nào mức lãi suất cho vay về quanh mức 8-9% thì khi đó thị trường bất động sản mới phản ứng. Vì đây là "ngưỡng" mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay", ông Khôi nhận định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554, lần lượt giảm 61,45 và tăng 30,4% so với cùng kì năm trước. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam mới đây cũng công bố, lượng giao dịch bất động sản các tháng gần đây còn chậm, nguyên nhân là do người dân cảm thấy đây chưa phải thời điểm thích hợp để vay mua nhà, kể cả đối với người mua có nhu cầu ở thực. Các khoản vay mua nhà thường là vay trong thời gian dài hạn cho nên các ngân hàng cần cân nhắc về mức độ rủi ro trong việc giảm mạnh lãi vay.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Lãi suất tiếp tục “hạ nhiệt”, thị trường bất động sản liệu có vực dậy?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

5 nhóm vấn đề mới của Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã có nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Tin mới