Lãi cao, kênh tiết kiệm thu hút gần 1.200 tỷ đồng người dân mỗi ngày
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 10 tháng, tổng số dư tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng đã tăng ròng gần 360.000 tỷ. Như vậy, mỗi ngày trôi qua, người dân lại mang gần 1.200 tỷ đồng đi gửi ngân hàng lấy lãi.
Nguồn tiền từ khách hàng cá nhâ tăng mạnh
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố số liệu mới nhất về thống kê dòng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng trong nước. Số liệu cho thấy, sau giai đoạn giảm tốc quý III, kể từ tháng 10, dòng tiền gửi của người dân chảy vào kênh ngân hàng đã tăng trở lại.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 10, tổng số dư tiền gửi của khách hàng dân cư tại hệ thống ngân hàng đã đạt trên 5,66 triệu tỷ đồng, tăng 6,78% so với đầu năm. Đáng chú ý, so với cuối tháng 9, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng gần 21.600 tỷ đồng, cao nhất trong 4 tháng đã qua.
Nếu tính riêng số liệu từng tháng, dòng tiền nhóm khách hàng cá nhân đã giảm liên tục từ mức gần 50.500 tỷ trong tháng 6 xuống còn hơn 1.400 tỷ đồng trong tháng 9. Tuy nhiên, đến tháng 10, khi các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân lên 9-10%/năm, dòng tiền này đã chảy trở lại kênh ngân hàng.
Tính trong 10 tháng, tổng số dư tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng đã tăng ròng gần 360.000 tỷ. Đồng nghĩa với việc cứ mỗi ngày trôi qua từ đầu năm, người dân lại mang gần 1.200 tỷ đồng đi gửi ngân hàng lấy lãi.
Đáng chú ý, mức tăng trưởng 6,78% trong 10 tháng đầu năm nay của số dư tiền gửi khách hàng dân cư tại hệ thống ngân hàng cũng là mức cao nhất trong ba năm trở lại đây. Trước đó, số dư tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng chỉ tăng 3,08% trong 10 tháng đầu của năm 2021 và 5,95% trong cùng kỳ năm 2020.
Khách hàng doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng
Trái ngược với xu hướng tăng gửi tiền ngân hàng trở lại của người dân, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tại các ngân hàng lại giảm ròng hơn 15.800 tỷ đồng trong tháng 10, đạt hơn 5,76 triệu tỷ tại thời điểm cuối tháng.
So với đầu năm, số dư tiền gửi tại hệ thống ngân hàng của nhóm khách hàng này chỉ tăng 2,15% (tương đương mức tăng ròng hơn 121.000 tỷ), thấp nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thống kê số liệu tiền gửi từ năm 2012.
Trong 2 năm trước, khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng này tại hệ thống ngân hàng đã tăng lần lượt 7,63% và 11,64% trong 10 tháng đầu năm 2021 và 2020.
Theo giới chuyên gia, xu hướng dịch chuyển của dòng tiền gửi kể trên đã phản ánh đúng diễn biến thực tế bên ngoài thị trường từ đầu năm, khi các hoạt động kinh doanh khôi phục trở lại, nhu cầu sử dụng vốn để đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, dẫn tới dòng tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp tại ngân hàng giảm mạnh
Lãi suất sẽ "hạ nhiệt" trong năm 2023
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện nay, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn. Thu nhập của người dân giảm sút, chỉ đủ chi tiêu, không còn tiền dư để gửi ngân hàng. Doanh nghiệp giảm đơn hàng, khó khăn, trong khi vốn đầu tư công giải ngân chậm. Thậm chí, xảy ra tình trạng các ngân hàng tăng lãi suất cạnh tranh nhau để giữ chân người gửi tiền.
"Giám đốc một ngân hàng từng chia sẻ với tôi, có trường hợp kỷ luật cán bộ ngân hàng vì để cho khách hàng rút tiền. Thậm chí, có nhân viên ngân hàng để đáp ứng chỉ tiêu, giữ vị trí việc làm cũng phải xoay đủ kiểu để đảm bảo số dư tiền gửi theo đúng chỉ tiêu" - Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Trong những ngày còn lại của năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao, trong khi nguồn tiền của doanh nghiệp rất hạn hẹp vì khó có thể huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Chỉ là vốn bổ sung cho nền kinh tế nhưng tại Việt Nam, vốn ngân hàng trở thành vốn chủ lực để doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh. Nhiều ngân hàng huy động vốn ngắn hạn để cho vay nguồn tiền dài hạn khiến thị trường vốn méo mó. Thị trường tiền tệ đang phải gồng mình gánh cho thị trường vốn.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước vào cuộc để xác định thực lực của ngân hàng, nhu cầu thật của doanh nghiệp “khỏe” và nới room tín dụng với trường hợp này.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, bước sang đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất sẽ hạ nhiệt.
Ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi tại quầy dao động từ 2,85% - 4%/năm cho kỳ hạn kỳ hạn 1-5 tháng. Ngân hàng thuộc nhóm Big4 (gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) duy trì mức niêm yết dao động từ 3% - 3,4%/năm. Các ngân hàng CBBank, GPBank, VIB đang áp dụng lãi suất tiết kiệm gửi tại quầy cao nhất tại kỳ hạn này.
Hà Lan